Ngày 31-5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về trần nợ công với các nội dung được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhất trí trước đó sau nhiều tuần nỗ lực đàm phán.
Dự luật được thông qua với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống. Dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện thảo luận và bỏ phiếu thông qua, có thể vào cuối tuần tới. Nếu được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Biden ký ban hành thành luật trước ngày 5-6 – thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiện ngân sách để trang trải các nghĩa vụ tài chính lần đầu tiên trong lịch sử nước này.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy phát biểu về trần nợ công ngày 31-5 tại Washington. Ảnh: AFP |
Tổng thống Joe Biden đã hoan nghênh động thái trên của Hạ viện, đồng thời hối thúc Thượng viện thông qua dự luật sớm nhất có thể. Trong thông báo do Nhà Trắng công bố, ông Biden nhấn mạnh: “Thỏa thuận này là tin tốt lành đối với người dân và nền kinh tế Mỹ”.
Ngày 27-5 vừa qua, sau nhiều tuần đàm phán về vấn đề trần nợ công và chi tiêu ngân sách, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD trong hai năm, đến ngày 1-1-2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024. Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ Covid-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
TTXVN