Động thái này được thông qua sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát, với tỷ lệ 316 thuận – 94 chống, trong đó sự ủng hộ từ Đảng Dân chủ nhiều hơn Đảng Cộng hòa.
Gói viện trợ bao gồm gần 61 tỷ USD cho Ukraine, trong đó khoảng 23 tỷ USD sẽ được sử dụng để bổ sung kho vũ khí, dự trữ và cơ sở vật chất của Mỹ. Hơn 11 tỷ USD tài trợ cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực, gần 14 tỷ USD giúp Ukraine mua các hệ thống vũ khí tiên tiến và các thiết bị phòng thủ khác.
Gói viện trợ sẽ cung cấp 26,4 tỷ USD cho Israel, trong đó nêu rõ khoản tiền này nhằm hỗ trợ “nỗ lực tự vệ trước Iran và các lực lượng nước này hậu thuẫn”. 4 tỷ USD trong số đó sẽ dùng cho hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt và David’s Sling, 1,2 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ Tia Sắt giúp chống lại các mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và súng cối.
4,4 tỷ USD sẽ dùng để bổ sung cho các hạng mục và dịch vụ quốc phòng Israel, 3,5 tỷ USD để mua các hệ thống vũ khí tiên tiến và các hạng mục khác thông qua Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài.
Ngoài ra còn có 9,2 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo, bao gồm thực phẩm khẩn cấp, chỗ ở và các dịch vụ cơ bản cho người dân đang gặp khủng hoảng. Gói viện trợ cũng bao gồm 8,1 tỷ USD cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bên cạnh viện trợ cho các đồng minh, gói này còn bao gồm điều khoản chuyển tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt nhắm vào Hamas và Iran, đồng thời buộc công ty ByteDance của Trung Quốc phải bán ứng dụng TikTok nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ.
Sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua, gói này sẽ chuyển sang Thượng viện Mỹ để phê chuẩn, sau đó gửi cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết: “Thế giới đang theo dõi những gì Quốc hội Mỹ làm. Việc thông qua luật này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh lãnh đạo của Mỹ vào thời điểm then chốt”.
Ngọc Ánh (theo Reuters, CNN)