Hà Tĩnh đã nhân rộng gần 28 ha diện tích lúa thân thiện với môi trường tại các xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) và Lâm Trung Thủy (Đức Thọ).
Ngày 16/5, Hội Nông dân Hà Tĩnh tổ chức hội nghị đầu bờ và truyền thông cấp huyện dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà. |
Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Hà Tĩnh được triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023 tại 2 xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) và Tân Lâm Hương (Thạch Hà). Đây là dự án do Quỹ BRACE (Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái – Hồng Kông) tài trợ thông qua Hội Nông dân Việt Nam (giai đoạn 2).
Đại biểu tham quan mô hình lúa thân thiện với môi trường tại xã Tân Lâm Hương.
Từ tháng 7/2021 đến nay, Ban Quản lý dự án đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn các cấp thuộc phạm vi dự án. Đặc biệt, xây dựng mô hình trình diễn tại 2 xã theo kế hoạch qua 3 vụ sản xuất; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất vừa qua theo lịch thời vụ.
Tổng diện tích đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tại xã Tân Lâm Hương là hơn 12 ha, tại xã Lâm Trung Thủy là hơn 15 ha. Ước lượng năng suất lúa vụ xuân năm 2023 tại các mô hình xã Tân Lâm Hương đạt 6,4 tấn/ha, tăng 6% so với ruộng đối chứng (cùng sử dụng giống lúa Bắc Thịnh); tại xã Lâm Trung Thủy ước đạt 7 tấn/ha, tăng 4% so với ruộng đối chứng (giống Hương Bình).
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu và nông dân trực tiếp tham gia dự án đánh giá cao vai trò, kết quả dự án. Các đại biểu cho rằng, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật: tưới ướt khô xen kẽ, bón phân hợp lý và xử lý gốc rạ sau thu hoạch đã mang đến những kết quả tích cực trong quá trình sản xuất lúa.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Trần Trung Thành: “Đề nghị huyện Thạch Hà cũng như các huyện, thành, thị khác quan tâm, hỗ trợ nhân rộng quy mô, diện tích áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường tại địa phương, gắn với chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn”.
Theo đó, lúa có bộ rễ đẹp, dài, ăn sâu, rất ít rễ đen so với các ô ruộng khác sản xuất theo tập quán địa phương (giúp cho lúa bám sâu, giúp hạn chế ngã đổ). Năng suất lúa đã ổn định đảm bảo đạt mức cao nhất so với mặt bằng chung của địa phương.
Cùng đó, việc xử lý gốc rạ, rơm trực tiếp trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học EMUNIV đã làm cho gốc rạ phân hủy nhanh hơn rất nhiều; lúa không bị ngẹt rễ như các ruộng sản xuất truyền thống; trả lại dinh dưỡng cho đất, góp phần cải tạo đất. Thay thế thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng của hội viên nông dân.
Việc sử dụng các loại phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) có vai trò rất quan trọng đối với sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây lúa; năng suất ổn định; lúa bền cây; giúp cho đất có độ mùn tốt hơn, xốp đất hơn.
Việc tưới ướt khô xen kẽ giúp tiết kiệm lượng nước tưới cần sử dụng cho 1 chu kỳ sinh trưởng của cây lúa khoảng 15%; bón phân cân đối, hợp lý, giảm phân bón hóa học và các loại thuốc BVTV nhằm giảm chi phí đầu tư (có thể giảm 100-150 ngàn đồng/sào), góp phần giảm thiểu sự phát thải các hóa chất vào môi trường; hoạt động xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học để tạo thành phân hữu cơ, hạn chế việc đốt rơm rạ làm giảm phát thải khí độc hại.
Tại hội nghị, Ban quản lý dự án cũng đề nghị hội nông dân các huyện, thành phố, thị xã tại Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường trong thời gian tới. Trong đó, tập trung trong vụ hè thu 2023 là biện pháp kỹ thuật xử lý rơm, gốc rạ trực tiếp trên đồng ruộng.
Trước đó, ngày 11/5, Hội Nông dân Hà Tĩnh cũng đã tổ chức hội nghị đầu bờ và truyền thông cấp huyện dự án tại xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ.
Dương Chiến