Ghi nhận sự nỗ lực trong phát triển của tỉnh thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang mong muốn Hà Tĩnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Sáng 10/5, đoàn công tác Chính phủ do Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thành viên Chính phủ dẫn đầu có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu. Tham gia đoàn có Trung tướng Nguyễn Doãn Anh – Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Hoàng Trung Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo tại cuộc làm việc
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã báo cáo với đoàn công tác Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng nhờ bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương và tình hình thực tiễn của tỉnh, Hà Tĩnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, kinh tế từng bước phục hồi, văn hóa – xã hội đạt kết quả tích cực, quốc phòng – an ninh được bảo đảm.
Các đại biểu đoàn công tác Chính phủ.
Quy mô nền kinh tế đạt gần 93 nghìn tỷ đồng (xếp thứ 30/63 cả nước). GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng/năm, tăng 8,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2020; cơ cấu kinh tế: công nghiệp 40%, dịch vụ 45%, nông nghiệp 15%. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 4,17%, năm 2022 đạt 3,98%, quý I năm 2023 đạt 4,08%.
Tỉnh đã thu hút đầu tư và triển khai một số dự án công nghiệp lớn như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Cell pin VinES và Nhà máy sản xuất Pin Lithium của Tập đoàn Vingroup, Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vinhomes Vũng Áng.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng lãnh đạo một số sở, ngành, dự buổi làm việc.
Xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả quan trọng, từng bước đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, sản phẩm OCOP. Thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM, Hà Tĩnh đã đạt 2/10 tiêu chí. Thương mại tăng trưởng khá; du lịch, dịch vụ phục hồi tích cực.
Thu ngân sách trên địa bàn đạt khá. Trong đó, năm 2021 đạt gần 17.000 tỷ đồng, vượt 39% so với dự toán; năm 2022, thu hơn 18.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 25% dự toán; 4 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5.000 tỷ đồng, đạt 25% dự toán, bằng 71% cùng kỳ.
Hà Tĩnh đã hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện đang chuẩn bị các điều kiện tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư dự kiến vào cuối tháng 5/2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiến nghị đoàn công tác đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị chỉ đạo cho chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, giải quyết tồn đọng, khôi phục phát triển kinh tế khu vực, bảo đảm đời sống ổn định cho Nhân dân vùng ảnh hưởng.
Đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 79 dự án, trong đó có 76 dự án có tổng vốn đăng ký 20.500 tỷ đồng, 3 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án đầu tư trong nước với tổng mức gần 500 tỷ đồng.
Về xuất nhập khẩu, tỉnh ban hành chủ trương, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển dịch vụ logistics. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao nỗ lực của Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế – xã hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
UBND tỉnh ký kết với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về việc thiết lập tuyến container Vũng Áng, đến nay đã có 44 chuyến cập bến xuất/nhập hàng đi các cảng Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khá, năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, năm 2022 đạt 5,2 tỷ USD, duy trì trong nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ. UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung các giải pháp tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, xử lý tồn đọng các dự án; tăng cường theo dõi, giám sát; đẩy mạnh việc lập các quy hoạch xây dựng, đô thị và công bố thông tin quy hoạch.
Lĩnh vực văn hóa, thể thao tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả; chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến tích cực, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, các địa phương trên địa bàn đã quan tâm, chăm lo an sinh xã hội, lao động việc làm, đời sống Nhân dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trả lời một số kiến nghị của Hà Tĩnh liên quan tới vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông.
Tỉnh luôn gắn chặt phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh, nhất là nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ khu vực phòng thủ ven biển, biên giới đất liền và các địa bàn trọng điểm.
Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác tuyển giao quân, chính sách hậu phương quân đội, làm tốt công tác đối ngoại quân sự; quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng – an ninh…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh trả lời một số kiến nghị của Hà Tĩnh liên quan tới lĩnh vực xây dựng, quy hoạch.
Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị đoàn công tác Chính phủ ủng hộ chủ trương và đề xuất Chính phủ, Bộ Chính trị chấm dứt hoạt động dự án khai thác sắt mỏ Thạch Khê; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia để các tỉnh sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh phù hợp quy hoạch quốc gia.
Kiến nghị Thủ tướng xem xét, có thể phân quyền hoặc uỷ quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc cho địa phương phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, tạo sự chủ động cho địa phương; đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 nghiên cứu, điều chuyển 1 trung đoàn bộ binh về đóng quân trên địa bàn, tạo điều kiện giúp Hà Tĩnh bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh – Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đánh giá cao Hà Tĩnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng – an ninh, góp phần cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhìn chung ổn định, không để xảy ra các điểm nóng, các vụ việc phức tạp.
Sau khi nghe ý kiến của tỉnh Hà Tĩnh, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương cũng đã làm rõ thêm các kiến nghị, trao đổi một số giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời, đề xuất một số cách làm linh hoạt, sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cảm ơn sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, góp phần giúp Hà Tĩnh đã từng bước khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định tình hình, chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi, phát triển kinh tế, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó thu ngân sách đạt khá cao.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Thời gian qua, Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm, chăm lo an sinh xã hội, lao động việc làm, đời sống Nhân dân, trong đó tập trung thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khắc phục hậu quả thiên tai; huy động xã hội hóa được gần 360 tỷ đồng để xây dựng 55 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và hơn 3.600 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.
Tỉnh đã kêu gọi hơn 16 tỷ đồng tiền và hiện vật ủng hộ chương trình sóng và máy tính cho em; Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học” đã kêu gọi ủng hộ được gần 19 tỷ đồng, hiện đang hỗ trợ cho 220 em, nhiều em có kết quả học tập tốt.
Cùng với đó, tỉnh cũng nỗ lực thúc đẩy, kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư lớn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số trên địa bàn…
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cũng đã đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị chỉ đạo cho chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê; ủng hộ tỉnh trong xây dựng Đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội; rà soát, đánh giá, xem xét bàn giao Khu nước sốt Sơn Kim cho tỉnh để thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và hành lang kinh tế dọc đường 8; tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, nhất là hoạt động sai tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí…
Kết luận cuộc làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ vui mừng trước những kết quả Hà Tĩnh đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thiên tai gây hậu quả nặng nề, đại dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế – xã hội nhưng tỉnh đã nỗ lực, tạo được đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân, kinh tế – xã hội có nhiều điểm sáng.
Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu kết luận.
Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.
Hà Tĩnh cũng cần có nhiều giải pháp hơn nữa, huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, bám sát thực tiễn; chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh.
Tỉnh cần tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là cho hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương trong vùng, với các cực tăng trưởng.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm; tích cực xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc.
Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Hà Tĩnh là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, do đó, tỉnh phải thường xuyên quan tâm nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống để phát triển bền vững.
Văn Đức – Lê Tuấn