TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), nhằm khẳng định thương hiệu các ngành CNVH thành phố, đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thúc đẩy chiến lược hợp tác phát triển ngành công nghiệp này của Việt Nam nói chung…
Hoàn thiện thiết chế
Theo thống kê từ Sở VH-TT, TPHCM hiện có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất – kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm tỷ lệ 7,74% trong tổng số doanh nghiệp toàn thành.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thành phố hiện chưa hình thành môi trường đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật một cách toàn diện, nhất là lĩnh vực CNVH. Nguồn nhân lực nghệ thuật chủ yếu vẫn phát triển từ tài năng bẩm sinh và “truyền nghề”, thiếu sự đào tạo bài bản và phù hợp môi trường văn hóa mới của thành phố.
Do đó, để các ngành CNVH phát huy hiệu quả trong xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu hiện nay, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ngành CNVH TPHCM đến năm 2030” (gọi tắt Đề án), với trọng tâm là hoàn thành các thiết chế văn hóa cần thiết, làm nền tảng để các ngành CNVH vận hành.
Kế hoạch triển khai Đề án nêu rõ, việc nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch chung của thành phố các quỹ đất lớn để đầu tư xây dựng các khu liên hợp, tổ chức văn hóa, thể thao, khu công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao để đáp ứng yêu cầu phát chung của đô thị.
Nâng cấp các trường văn hóa nghệ thuật, trong đó ưu tiên đầu tư, nâng cấp, cải tạo Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tại số 5 Nam Quốc Cang, quận 1; xây dựng mới Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tại TP Thủ Đức để nâng cấp từ trường cao đẳng lên đại học; đổi mới phương pháp đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành CNVH. Đề án cũng thúc đẩy các trường nghề của thành phố bổ sung thêm các ngành nghề đào tạo về CNVH.
Kế hoạch triển khai Đề án xác định rõ, việc phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành CNVH đạt khoảng 14%/năm, hướng đến năm 2025, doanh thu đạt khoảng 53.200 tỷ đồng, đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TPHCM và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Bên cạnh đó, việc thành lập Trung tâm Phát triển CNVH và Quỹ khởi nghiệp, phát triển CNVH cũng đang được các đơn vị quản lý nghiên cứu, triển khai.
Không gian văn hóa mới và di sản địa phương
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiều chuyên gia nhìn nhận sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở đô thị là “tấm gương” phản ánh sự hiện đại, thông minh và bản sắc của thành phố một cách trung thực và rõ ràng nhất. Văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại tồn tại và phát triển từ những tiềm năng văn hóa của chính mình, cùng với những quyết sách từ các đơn vị quản lý theo quan điểm văn hóa là trên hết và bền vững.
TPHCM với vị thế là trung tâm kinh tế lớn và là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về sáng tạo và văn hóa tại Việt Nam, nhiều mô hình sáng tạo mới đã và đang phát triển trong lòng đô thị, mở ra nhiều xu hướng và cơ hội quảng bá bản sắc con người thành phố.
ThS Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Pencil Group, chia sẻ: Các mô hình không gian sáng tạo mới không chỉ phản ánh sự đa dạng trong cách tiếp cận văn hóa nghệ thuật mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của các cộng đồng sáng tạo tại địa phương, từ đó lan tỏa tầm ảnh hưởng đến khu vực và quốc tế.
Như trước đây, Sở Du lịch TPHCM đã thông qua các đơn vị sáng tạo để thực hiện video quảng cáo “Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố năng động”, được phát sóng trên kênh truyền hình quốc tế CNN và đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, thúc đẩy ngành du lịch tại thành phố.
Bên cạnh sự phát triển của các không gian sáng tạo mới, trong lòng đô thị TPHCM chứa đựng nhiều không gian văn hóa khác nhau, là nguồn tài nguyên phong phú để các ngành CNVH, nhất là du lịch văn hóa, khai thác. Có thể kể đến những tiểu văn hóa hình thành từ các yếu tố ngoại sinh qua các cuộc nhập cư như các tiểu văn hóa người Hoa; tiểu văn hóa của người Ấn Độ…
Các cộng đồng người Hoa, Chăm, Khmer, Ấn Độ, Hàn Quốc sống tại các khu vực khác nhau của thành phố, duy trì và gìn giữ văn hóa, phong tục, truyền thống của mình. Bên cạnh đó, TPHCM lưu giữ nhiều di sản văn hóa lịch sử và nghệ thuật quan trọng như: Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành và nhiều di tích khác…, thể hiện sự gắn kết của người dân với lịch sử và văn hóa đặc trưng của thành phố.
ThS Vương Quốc Trung (Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển TPHCM) phân tích: “Theo tôi, một trong những chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo tại TPHCM là phát huy không gian văn hóa. Và việc phát huy không gian văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền địa phương mà còn của toàn bộ cộng đồng. Sự đóng góp của cả cộng đồng với ý thức và trách nhiệm đối với văn hóa là yếu tố then chốt để xây dựng TPHCM trở thành một thành phố sáng tạo”.
Thực tế có thể thấy, việc phát huy không gian văn hóa, hay nói một cách thiết thực là hoàn thiện các thiết chế văn hóa cần thiết, nơi mà người dân có thể tự hào về bản sắc văn hóa của mình và đồng thời có cơ hội tiếp cận và tham gia vào những diễn đàn văn hóa đa dạng và đa chiều…
Và khi hạ tầng văn hóa định hình rõ nét, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển những tài năng văn nghệ sĩ, nghệ nhân, những người đam mê nghệ thuật, cùng nhau đóng góp vào việc thúc đẩy dòng chảy và sự phát triển của các ngành CNVH.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/phat-trien-nganh-cong-nghiep-van-hoa-tphcm-den-nam-2030-ha-tang-dinh-vi-thuong-hieu-20240930141850017.htm