Xin hỏi hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị gồm những đối tượng nào? Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị gồm những gì? – Độc giả Độ Phước
1. Hạ sĩ quan binh sĩ dự bị gồm những đối tượng nào?
Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được chia thành hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một và binh sĩ dự bị hạng hai.
– Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một:
+ Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã phục vụ tại ngũ đủ 06 tháng trở lên;
+ Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã qua chiến đấu;
+ Công dân nam thôi phục vụ trong Công an nhân dân, đã có thời gian phục vụ từ 12 tháng trở lên
+ Công dân nam là quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ;
+ Công dân nam là công nhân, viên chức quốc phòng được chuyển chế độ từ hạ sĩ quan, binh sĩ đã thôi việc;
+ Dân quân thường trực đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ hoặc Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế đã qua huấn luyện tập trung đủ 03 tháng trở lên;
+ Công dân là binh sĩ dự bị hạng hai đã qua huấn luyện tập trung đủ 06 tháng trở lên;
+ Công dân hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.
– Binh sĩ dự bị hạng hai:
+ Công dân nam là binh sĩ xuất ngũ, đã phục vụ tại ngũ dưới 06 tháng;
+ Công nhân, viên chức quốc phòng không thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 24 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã thôi việc;
+ Công dân nam thôi phục vụ trong Công an nhân dân đã có thời gian phục vụ dưới 12 tháng;
+ Công dân nam hết độ tuổi gọi nhập ngũ chưa phục vụ tại ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;
+ Công dân nữ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này.
(Điều 24 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (đính chính bởi Thông báo 132/TB-BST năm 2016 và sửa đổi, bổ sung tại Luật Dân quân tự vệ 2019))
2. Chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan binh sĩ dự bị
Theo Điều 51 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị như sau:
Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ.
Trường hợp bị thương, bị bệnh hoặc từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.
3. Đơn vị nào có trách nhiệm huấn luyện hạ sĩ quan binh sĩ dự bị?
Tại Điều 37 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, nêu rõ Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp tỉnh có nghĩa vụ:
– Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự;
– Chuẩn bị cho công dân phục vụ tại ngũ, kế hoạch tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;
– Huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và thực hiện các chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trên địa bàn;
– Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện.
Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong việc thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, theo quy định nêu trên Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp tỉnh là đơn vị huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.