Hà Nội xuất hiện chiêu lừa “chuyển tiền cấp cứu cho con”
Đang đi làm, chị Hạnh (sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ thông báo: “Con chị bị ngã trong tiết học, hiện đang được đưa vào bệnh viện, cần chuyển tiền gấp 20 triệu đồng để làm cấp cứu”.
“Rất may, tôi đã nghe thông tin về hình thức lừa đảo này và hỏi lại cô giáo để xác thực”, chị Hạnh nói, bày tỏ bức xúc rằng dù không mất tiền oan nhưng bản thân cũng đã rất bất an và hoảng hốt khi được thông báo như vậy.
Sau khi xuất hiện rầm rộ ở khu vực phía Nam, hình thức lừa đảo yêu cầu chuyển tiền gấp, để phẫu thuật cho con đã xuất hiện tại Hà Nội, với kịch bản rất tinh vi.
Tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), hai phụ huynh đã bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: “Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện”.
Theo hiệu trưởng nhà trường, sau khi nhận được thông tin việc đầu tiên nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm lập tức thông báo đến phụ huynh của tất cả các lớp trên toàn trường và sẽ báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.
Đồng thời cuối chiều 13/3, nhà trường đã nhắn tin tới toàn thể phụ huynh của nhà trường, thông báo rõ sự việc.
Bác sĩ chỉ cách xác minh thông tin
Trao đổi với Dân trí, bác sĩ khoa Cấp cứu của một bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cảnh báo người dân tuyệt đối không được cả tin với những nội dung yêu cầu phải chuyển tiền trước, người nhà mới được cấp cứu.
Theo bác sĩ này, nếu đúng các trường hợp ở trong tình trạng cấp cứu, quy trình tại các bệnh viện phải ưu tiên cấp cứu cho bệnh nhân trước. Không có chuyện người nhà phải thanh toán, ứng tiền trước thì các bác sĩ mới bắt đầu tiến hành chữa trị cho bệnh nhân.
“Không có người nhà chúng tôi vẫn tiến hành cấp cứu bệnh nhân như thường. Sau khi người nhà đến được mới cần hoàn thiện các thủ tục khác, trong đó có thủ tục liên quan đến bảo hiểm hay viện phí”, vị bác sĩ cho hay.
Do đó, chuyên gia này khuyến cáo người dân cần đặc biệt tỉnh táo. Bên cạnh đó, khi nhận được những cuộc gọi/tin nhắn báo con mình phải cấp cứu, người dân trước hết cần liên lạc trực tiếp với phía trường học, đặc biệt là cô chủ nhiệm để xác nhận lại thông tin, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Trước đó, Sở Y tế TPHCM cho biết đã nhận được báo cáo về hiện tượng người dân gọi vào bệnh viện “tìm con cấp cứu”. Cụ thể như tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chỉ trong vòng một tiếng ngày 6/3, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã nhận 2 cuộc gọi của phụ huynh, hỏi về 3 trường hợp học sinh đang học tại các trường trên địa bàn có vào cấp cứu hay không. Cả 3 trường hợp này đều được xác nhận là không có thật.
Qua các trường hợp trên, Sở Y tế TPHCM nhận định, thủ đoạn lừa gạt mà kẻ xấu thực hiện ngày càng tinh vi và nhắm trực tiếp vào phụ huynh học sinh. Sở Y tế khuyến cáo người dân hãy cẩn trọng trước những thông tin giả mạo.
Ngày 10/3, lãnh đạo Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku, Gia Lai) xác nhận những ngày qua, giáo viên, phụ huynh nhà trường liên tục nhận nhiều cuộc gọi lừa đảo với chiêu thức “con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp”.
Theo đó, ngày 9/3, một giáo viên tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Bội Châu đồng thời là phụ huynh một học sinh lớp 11 tại trường nhận cuộc gọi báo tin con bị té cầu thang, đang cấp cứu tại bệnh viện, cần chuyển gấp 20 triệu đồng.