Xây dựng Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”
Trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm cho biết, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Ảnh minh họa. |
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó có chuyển đổi số.
Theo Tổng Bí thư, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”, trong đó, đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.
Lực lượng chức năng phường Thụy Khuê diễu hành phát động triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt. |
Cùng với cả nước, kỷ nguyên mới của Thủ đô Hà Nội là phát triển hướng tới “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, sớm trở thành thành phố kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đặc sắc, hài hòa, thật sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, văn minh của nhân loại; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh
Tính riêng công tác chuyển đổi số, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, xứng đáng là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg năm 2022 về Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cụ thể, toàn Thành phố đã thu nhận và được phê duyệt cấp tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 6.369.117 trường hợp (đạt 106,4%), đã kích hoạt 5.584.946 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,3%). Việc xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, làm sạch dữ liệu dân cư, các nhóm dữ liệu, đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.
Để hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế, nhằm bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân.
Ngoài ra, Thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip tích hợp Bảo hiểm Y tế trong khám chữa bệnh. Đã có trên 7 triệu người có thẻ Bảo hiểm Y tế trên địa bàn thành phố được đồng bộ dữ liệu, sử dụng Căn cước công dân để đi khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã tiếp đón hơn 4,6 triệu lượt khám chữa bệnh bằng Căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ Bảo hiểm Y tế.
Chuyển đổi số được đẩy mạnh trong giải quyết các thủ tục hành chính đem lại sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp. |
Hà Nội đã thực hiện thành công thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên địa bàn, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc; các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả và cơ bản đến nay đều đạt trên 90%.
Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng app “Công dân Thủ đô số iHanoi”; tính đến cuối tháng 10/2024 iHanoi đã có hơn 1 triệu người dùng, trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Việc triển khai ứng dụng iHanoi không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính mà còn nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý và phục vụ người dân.
Cuối tháng 9/2023, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm và các ngân hàng triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt. Điều này đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, đến nay, mô hình được nhân rộng ra nhiều quận, huyện, qua đó đem lại nhiều giá trị cho người dân, doanh nghiệp.
Sau khi được triển khai tại các cửa hàng kinh doanh, thanh toán không tiền mặt cũng dần được đưa vào các chợ truyền thống. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp viễn thông khai trương các mô hình “chợ thông minh 4.0” tại hàng loạt các chợ trên địa bàn quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Việc chi trả đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh không sử dụng tiền mặt. Với 291.850 đối tượng thuộc diện nói trên, hiện đã có tới hơn 93% được mở tài khoản.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh việc thanh toán không tiền mặt đối với các điểm trông giữ xe. Tính đến ngày 20/9, đã có tổng số 102 điểm thuộc 8/30 quận thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, qua đó có 554.121 lượt giao dịch với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại Bộ phận Một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để cung cấp chữ ký số và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến của Thành phố,…
Thời gian tới, Hà Nội tập trung tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, hình thành dữ liệu lớn, phát triển các ứng dụng công nghệ mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng số cho người dân xây dựng xã hội số, xã hội thông minh.
Để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu các cấp chính quyền cần đẩy mạnh phát triển 4 sẵn sàng tới từng người dân nhằm lan tỏa sâu rộng hơn nữa quá trình chuyển đổi số. Cụ thể là: Điện thoại sẵn sàng kết nối mạng, tích hợp VNeID và iHanoi; định danh điện tử và đăng ký tài khoản ngân hàng; sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ và an toàn thông tin; sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới sáng tạo.