Bà Phạm Thanh Xuân, Ủy viên Ban thường vụ Hội Người Việt Nam tại Nga:
Tôi sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội. Tôi đã xa Hà Nội 36 năm rồi. Sau rất nhiều năm xa Hà Nội, khi trở về, tôi cảm thấy rất vui mừng trước sự phát triển của Thủ đô.
Bên cạnh những con phố cổ, những mái ngói thâm nâu, thì bây giờ Hà Nội đã có những con đường phố to hơn, rộng hơn và rất khang trang, đẹp đẽ, đi lại rất thuận tiện.
Mỗi lần khi tôi được trở về với Thủ đô Hà Nội, chúng tôi luôn nhớ những nét đẹp trong văn hóa Thủ đô, đặc biệt là ẩm thực của Thủ đô, có rất nhiều nhà hàng có những món ăn ngon, tinh tế, nhân viên phục vụ rất nhiệt tình.
Đặc biệt, bây giờ ở Hà Nội có nhiều các quán ăn đã nằm trong danh sách hệ thống đánh giá ẩm thực uy tín Michelin. Điều đó cũng giúp cho ẩm thực của thủ đô có thêm vị trí và tầm cao trên bản đồ ẩm thực thế giới. Thông qua đó thu hút được rất nhiều khách du lịch khi đến với đất nước Việt Nam.
Một điểm nữa mà chúng tôi cảm thấy rất là mừng khi trở về Thủ đô Hà Nội là bây giờ có nhiều người dân cũng sẵn sàng tham gia cùng các lực lượng chức năng để bảo vệ an ninh cho Thủ đô, giúp cho Thủ đô ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn.
Là một người con sống xa xứ, mỗi lần trở về quê hương tôi cảm thấy rất yên tâm và vui mừng. Dù tôi xa Hà Nội và có trải nghiệm tại những thành phố khác nhau trên thế giới, nhưng tình yêu và niềm tự hào với Thủ đô vẫn mãi mãi hiện hữu trong trái tim tôi.
Chị Svetlana Glazunova, giảng viên Đại học Quan hệ quốc tế quốc gia Moskva (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga:
Tôi đến Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1993 khi còn là sinh viên. Và sau đó, tôi đã có một vài lần nữa đến Hà Nội. Lần gần đây nhất là năm 2019, tôi đến Hà Nội và thấy Hà Nội đã được mở rộng nhiều về diện tích.
Hà Nội có những khu phố mới, hiện đại. So với trước đây, Hà Nội đã thay đổi nhiều với tốc độ phát triển rất nhanh. Những năm 1990, khi lần đầu tôi đến Hà Nội, cảm nhận của tôi về Hà Nội là “trái tim” văn hóa của Việt Nam. Khi đó, tôi có cơ hội đến một số địa phương khác ở Việt Nam, điều tôi thấy rõ nhất là những ngôi chùa và đền ở Hà Nội đều rất khác, đặc biệt những khu phố cổ có nhiều điều thú vị.
Một điều đáng mừng, dù Hà Nội được mở rộng và hiện đại hóa, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa riêng đặc sắc của mình. Biểu tượng Tháp Rùa của Hà Nội vẫn rất là quen thuộc. Là giảng viên dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga, tôi luôn cố gắng giới thiệu, truyền tải những điều tuyệt vời về Hà Nội, nơi có những địa danh lịch sử và những phong tục truyền thống cho học trò của mình để các em làm quen với văn hóa Hà Nội giàu bản sắc.
Giờ đây, Hà Nội là thành phố hiện đại. Tôi thường xuyên được nghe học trò của mình kể về Hà Nội sau mỗi chuyến thực tập của họ. Hà Nội qua con mắt các bạn trẻ giờ đây có đầy đủ tiện ích, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa xưa. Vỉa hè ở Hà Nội rất thú vị, vẫn mang đặc trưng rất riêng. Chúng rôi rất yêu thích những điều đó.
Bạn Petrunova Vyacheslavovna, cựu sinh viên Đại học Sư phạm Quốc gia Nga mang tên A.I.Herzen:
Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội vào mùa thu năm 2017 để thực tập tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi ngay lập tức yêu Hà Nội. Đối với tôi, đây là một thành phố của sự tương phản. Tôi sống ở quận Hai Bà Trưng nhộn nhịp, nơi có rất nhiều ký túc xá, những quán cà phê và cửa hàng đơn giản, chi phí rẻ dành cho sinh viên.
Tôi thích đến khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Ở đó, tôi đi dạo hoặc ngồi trong một quán cà phê xinh đẹp, đọc sách và ngắm nhìn vẻ đẹp của thành phố.
Tôi thích đạp xe quanh các phố ở Hà Nội, ngắm nhìn thành phố và con người. Tôi cũng rất vui vì Hà Nội có rất nhiều công viên, những hàng cây cao mọc dọc hai bên đường, tạo thành hình vòm và giống như bạn đang lái xe qua một đường hầm xanh.
Nói chung Hà Nội đón nhận tôi rất tuyệt vời. Tất cả những người tôi gặp đều rất thân thiện.
Tôi đã đến Hà Nội một vài lần trong những năm gần đây, lần gần đây nhất vào cuối năm 2023. Mỗi lần đến Hà Nội, tôi đều cảm nhận được, thành phố đang phát triển nhanh, trở nên hiện đại và giàu có hơn.
Tôi thấy rằng, Hà Nội ngày càng có nhiều ô tô hơn, có nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm hiện đại và những khu dân cư mới đẹp đẽ. Tôi vui mừng vì Hà Nội ngày càng phát triển, ngày càng hiện đại và tươi đẹp hơn, đồng thời, linh hồn của thành phố và “đặc tính” của Hà Nội vẫn được bảo tồn.
Tiến sĩ lịch sử Valery Perfilov, nhà văn hóa Nga, cán bộ khoa học cao cấp Khu tưởng niệm Lê-nin tại tỉnh Ulyanovsk:
Tôi thật sự may mắn khi được đến Việt Nam một vài lần. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 1982. Trong trí nhớ của tôi tình hình đất nước các bạn khi đó vẫn còn tương đối khó khăn bởi đất nước vừa trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Sau đó một vài năm, tôi lại có cơ hội đến Việt Nam, thăm Hà Nội. Tôi thật ngạc nhiên vì chỉ trong thời gian ngắn, đất nước các bạn, đặc biệt Thủ đô Hà Nội đã thay đổi nhanh chóng.
Kinh tế phát triển, văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Xin chúc mừng Thủ đô Hà Nội – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa đặc sắc của Việt Nam nhân ngày lễ lớn.
Tôi rất ấn tượng bởi tại Hà Nội có Bảo tàng và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các công trình này ở Việt Nam và Khu tưởng niệm Lê-nin ở Ulyanovsk đều do kiến trúc sư Harold Isakovich thiết kế. Tại thành phố Ulyanovks – quê hương của Lê-nin đã xây dựng Đại lộ Hồ Chí Minh, Tượng đài nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam và tên Người được đặt cho ngôi trường phổ thông số 76. Nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, tôi xin chúc tất cả người dân Hà Nội những điều tốt đẹp nhất, đạt nhiều thành tựu và thịnh vượng.
Khoảnh khắc hào hùng, xúc động tại chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” tại Hà Nội. (Ảnh: SƠN TÙNG)
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/ha-noi-trong-nguoi-viet-xa-xu-ban-be-nga/index.html