Các trường đại học sẽ được di dời, phân bố lại theo từng cụm, chẳng hạn Sơn Tây tập trung ngành văn hóa, Sóc Sơn ưu tiên kinh tế…
Định hướng này được đề cập tại Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065.
Theo UBND thành phố Hà Nội, đến năm 2030, thủ đô có khoảng 650.000-700.000 sinh viên, chiếm 40% tổng số sinh viên vùng đồng bằng sông Hồng. Thành phố chủ trương điều chỉnh phân bố mạng lưới các trường đại học, cao đẳng một cách hợp lý, bằng cách giãn các trường có diện tích không đủ chuẩn ra các đô thị vệ tinh. Quy mô đào tạo tại khu vực nội đô tính từ vành đai sông Nhuệ vào các quận nội thành giảm xuống còn tối đa 200.000 sinh viên.
Cơ sở đào tạo được giữ nguyên, cải tạo, nâng cấp là những trường có diện tích từ 2 ha trở lên, giảm quy mô đào tạo hiện nay nhằm đạt chỉ tiêu 20 m2/sinh viên. Những trường “đặc thù” có thể có quy mô nhỏ hơn 2 ha nhưng chỉ tiêu đạt 20 m2/sinh viên có thể được phép nâng cấp.
Các trường có diện tích nhỏ hơn 2 ha, trừ những trường “đặc thù” như trên, được khuyến khích di chuyển ra ngoài đô thị trung tâm.
Trường mới được xây dựng theo mô hình Khu đại học tập trung để tiết kiệm quỹ đất, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng và theo mô hình tiên tiến, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Dự kiến diện tích khoảng 50-60 m2 đất/sinh viên. Các ngành nghề đào tạo tại các cụm trường sẽ được phân bố hợp lý với tính chất và chức năng của vùng đô thị xung quanh.
Cụ thể, khu vực thị xã Sơn Tây sẽ ưu tiên đào tạo các ngành văn hóa, du lịch, nghệ thuật. Khu vực Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, chú trọng đào tạo chất lượng cao, các ngành khoa học cơ bản. Phú Xuyên ưu tiên đào tạo các ngành liên quan đến ứng dụng phục vụ công nghiệp đa ngành, Sóc Sơn tập trung các ngành về kinh tế, thương mại, ngân hàng, còn thị xã Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, tập trung các ngành về sư phạm.
Kế hoạch này của UBND thành phố Hà Nội đang trong quá trình lấy ý kiến, hoàn thiện để trình Chính phủ.
Những dự kiến trên của Hà Nội cũng tương đồng với dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng với trung tâm là Hà Nội sẽ được tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong tất cả lĩnh vực trọng điểm. Một số cụm đại học sẽ hình thành dọc hai bên vành đai 4 vùng thủ đô để mở rộng và liên kết không gian phát triển.
Định hướng di dời các trường đại học từ trung tâm thành phố Hà Nội ra khu vực ngoại thành đã nhiều lần được đưa ra từ những năm 2010. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, phổ biến nhất là các trường chưa được cấp đất ở khu vực mới hoặc chưa hết thời hạn thuê đất trong nội thành, nên việc di dời chưa đạt tiến độ như đề ra.
Điều này gây sức ép lên cơ sở hạ tầng của Hà Nội, đặc biệt khu vực nội thành, ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các công trình công cộng, trường mầm non, phổ thông công lập của thành phố.
Hiện thủ đô là nơi tập trung gần 60 trường đại học. Phần lớn trường này có diện tích dưới 10 ha, thậm chí có ba trường dưới 1 ha. Bình quân diện tích đất trên đầu người ở các trường còn thấp, có trường ở nội đô chỉ khoảng 2 m2/sinh viên.
Thanh Hằng