Chiều 30/12, Bộ KH&CN công bố bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024. Đây là bộ chỉ số phản ánh bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. 

Bộ chỉ số cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy các địa phương phát triển.

Theo kết quả phân tích, đánh giá, Hà Nội tiếp tục là địa phương có điểm số cao nhất về Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Ở chiều ngược lại, Cao Bằng là địa phương có điểm số thấp nhất. 

Chi so dmst 1.jpg
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh thực hiện nghi thức công bố Top 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024. Ảnh: Minh Sơn

Trong 10 địa phương dẫn đầu về Chỉ số PII 2024, có 5 thành phố trực thuộc trung ương và 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển. 

Cụ thể, 3 địa phương không thay đổi vị trí dẫn đầu là Hà Nội (hạng 1), TP.HCM (hạng 2) và Hải Phòng (hạng 3). Các địa phương tiếp theo gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu (hạng 4), Đà Nẵng (hạng 5), Quảng Ninh (hạng 6), Cần Thơ (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Thái Nguyên (hạng 9) và Bắc Giang (hạng 10). 

Trong top 10 địa phương dẫn đầu về Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương, có 3 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), 3 địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ (TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương). 

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đóng góp 2 địa phương (Thái Nguyên, Bắc Giang). Trong khi đó, vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long mỗi nơi có sự góp mặt của 1 địa phương trong top 10 (Đà Nẵng, Cần Thơ). 

Nếu xét kết quả PII năm 2024 theo 6 vùng kinh tế – xã hội, năm 2024, các địa phương vùng Đông Nam bộ đã vượt qua vùng đồng bằng sông Hồng để có điểm trung bình cao nhất. 

Các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao thứ hai. Tiếp đến là các địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Hai vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có điểm số thấp nhất.

Chi so dmst dia phuogn.jpg
Top 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024. Số liệu: Bộ KH&CN

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương là những mô tả định lượng nhằm hình dung và cụ thể hóa mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. 

Bộ Chỉ số cung cấp cơ sở khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết. Từ đó, các cấp lãnh đạo có căn cứ xác định, lựa chọn định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm nhằm nhận diện điểm mạnh, điểm yếu về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp chính sách phù hợp. 

Trong những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Năm 2024, Việt Nam có thứ hạng GII là 44, tăng 2 bậc so với năm 2023. 

Trong 11 năm qua, thứ hạng GII của Việt Nam tăng 32 bậc (từ vị trí 76 lên 44). Theo WIPO, trong 14 năm liền Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển.

Điều này cho thấy hiệu quả của Chính phủ trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra phát triển kinh tế – xã hội. 

Startup Việt hút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư khởi nghiệpTrong bối cảnh gọi vốn khó khăn, nhiều startup thế giới đang phải tìm cách “chống chịu”, thế nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn phát triển tốt.