Sau khi khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, các dự án đầu tư mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội về các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao sẽ được hưởng chính sách ưu đãi.
Hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, Luật Thủ đô 2024 mới ban hành nêu rõ định hướng phát triển, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân phát biểu tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội năm 2024. |
Tính đến 20/5/2024, có 488/579 (84,28%) xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. 15 quận, huyện có 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là văn bản về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa… Đôi khi doanh nghiệp còn hiểu chưa đầy đủ dẫn đến vô tình vi phạm.
“Thực tế các thủ tục hành chính nhằm triển khai dự án tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau (đầu tư, xây dựng, y tế, lao động, tài chính, …); việc giải quyết các thủ tục này đôi khi chưa rõ ràng để nhà đầu tư tuân thủ, thực hiện”, ông Hiếu thông tin.
Tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội năm 2024 do Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 16/8, GS.TS Đỗ Tất Cường, Phó tổng giám đốc Hệ thống Y tế Vinmec đặt câu hỏi về những chính sách của Thành phố trong hỗ trợ các doanh nghiệp y tế, đặc biệt là khối tư nhân trong việc tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; kế hoạch của Thành phố trong phối hợp với các trường đại học, cao đẳng ngành y tế để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện nay; các chương trình xúc tiến đầu tư của Hà Nội nhằm thu hút các dự án y tế và công nghệ cao…
Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, ở thời điểm hiện tại, số lượng bác sĩ của Thành phố là 16 bác sĩ/10.000 người dân; số lượng giường bệnh/10.000 dân đạt 31,6%. Hiện nay, có khoảng 20 dự án của các bệnh viện tư nhân đang làm thủ tục đầu tư tại Hà Nội; có 4 dự án được đưa vào hoạt động với khoảng 5.000 giường bệnh.
Về các vấn đề liên doanh, liên kết, hợp tác trong công tác khám, chữa bệnh trong chuỗi cung ứng của y tế, Thành phố luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển, đặc biệt rất quan tâm tới việc thành lập mới các cơ sở y tế chất lượng cao, hiện đại và các cơ sở khám, chữa bệnh tại các khu vực khó khăn về kinh tế. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, để thực hiện việc này, vẫn cần theo quy định pháp luật.
“Giai đoạn tiếp theo, khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung liên quan tới lĩnh vực y tế. Trong đó, các dự án đầu tư mới trên địa bàn Thành phố về các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao sẽ được hưởng chính sách ưu đãi”, Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương thông tin.
Cải thiện môi trường đầu tư
Những năm gần đây, Thành phố luôn tích cực thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đến đầu tư tại Hà Nội. Cụ thể, Thành phố tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép và các thủ tục liên quan đến đầu tư y tế, giảm bớt giấy tờ và quy trình phức tạp; tăng cường công khai, minh bạch chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư; nỗ lực đi đầu cả nước trong xây dựng chính quyền điện tử, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và Thành phố thông minh…
Thành phố luôn khuyến khích những sáng kiến ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế. |
Về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đến đầu tư tại Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư luôn là định hướng trọng tâm của Thành phố để tạo nguồn lực từ thu hút đầu tư phát triển, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài việc thực hiện các ưu đãi theo quy định pháp luật về đầu tư, Thành phố đã ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 về chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong một số lĩnh vực trong đó có y tế (giảm 60% tiền thuê đất đối với 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; miễn tiền thuê đất đối với các quận, huyện còn lại khi đáp ứng đủ điều kiện).
Theo đó, Luật Thủ đô 2024 vừa mới ban hành cũng nêu rõ định hướng phát triển và ban hành chính sách đối với y tế Thủ đô là : phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn… Trên cơ sở đó, Thành phố đang tập trung xây dựng các chính sách, quy định để triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật Thủ đô 2024.
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội luôn khuyến khích các đơn vị trong ngành đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là những sáng kiến ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế; khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trong việc cung cấp dịch vụ y tế và phát triển các dự án y tế…
“Hàng năm, Thành phố luôn thực hiện công bố danh mục thu hút đầu tư, thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian tới, Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô.”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chia sẻ.
Nguồn: https://baodautu.vn/ha-noi-thuc-day-hop-tac-cong—tu-trong-linh-vuc-y-te-d222648.html