Hà Nội – Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam luôn có sức lôi cuốn kỳ lạ đối với bạn bè quốc tế. Vẻ đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại của một thành phố đang vươn mình ra thế giới, nét thanh bình nhưng đầy sức sống của một Thủ đô thân thiện…, tất cả hòa trộn tạo nên nét đặc trưng rất khác biệt, khiến Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thế giới.
Sức hút của Thủ đô ngàn năm văn hiến
Đối với bà Ann Mawe, cựu Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, người đã có 5 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, tình yêu Hà Nội bắt nguồn từ sự thân thiện và dễ mến của người dân. Bà Mawe đến Việt Nam vào năm 2019 và đã có dịp tới thăm 40/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong nhiệm kỳ của mình, bên cạnh những đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển, bà cũng rất tích cực tham gia tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội.
Trong giai đoạn 2019-2024, khi giữ cương vị Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Mawe đã hỗ trợ kết nối các nghệ sĩ, đầu bếp, nhạc sĩ, nhà xuất bản Thụy Điển và Việt Nam, giúp tổ chức các sự kiện văn hóa giới thiệu những câu chuyện và truyền thống phong phú của cả hai nước. Ngôi nhà của Đại sứ Mawe trở thành một trung tâm văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa và chào đón những người bạn Thụy Điển muốn khám phá Hà Nội và Việt Nam. Các video Tết của bà Mawe tạo ấn tượng rất tốt đối với khán giả. Một số biểu tượng của Việt Nam đã được bà đưa vào video như áo dài, bánh chưng và lúa nước, nổi bật là video Tết 2023 trồng lúa ở Nga Sơn, Thanh Hóa đạt gần 100.000 lượt xem.
Đại sứ Saadi Salama trong một lần tham quan đền Ngọc Sơn ở Hà Nội. Ảnh: HẠNH PHẠM |
Bà Mawe là người rất yêu âm nhạc, ẩm thực Việt Nam. Bà có thể hát một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng tiếng Việt, trong đó có bài “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Trước khi rời Việt Nam trở về nước, vị Đại sứ này chia sẻ rằng sẽ rất nhớ Hà Nội, bởi nơi đây bà cùng gia đình đã gắn bó 5 năm và có những kỷ niệm tuyệt vời. Bà yêu những buổi sáng đạp xe quanh Hồ Tây, yêu những đầm sen xanh mát. Vào buổi sáng, bà thích nhìn mọi người tập thể dục và ăn sáng trên vỉa hè. Trong cái nhìn của bà, Hà Nội đẹp và năng động nhất vào buổi sáng và chiều muộn.
“Điều đọng lại trong tôi chính là vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, lòng tốt và sự hào phóng của người dân và tất nhiên là cả nền ẩm thực tuyệt vời. Tôi sẽ nhớ cuộc sống bình dị nơi đây, nhớ những chiều thứ Sáu thong dong tản bộ trên những con phố của Hà Nội. Thật buồn vì phải rời xa Việt Nam, nhưng chắc chắn tôi sẽ trở lại vào một dịp không xa để tiếp tục khám phá đất nước này”, bà Mawe chia sẻ tại một sự kiện tổ chức ở Hà Nội hồi cuối tháng 6-2024 trước khi rời Việt Nam về nước.
Một thành phố hiện đại và đang vươn mình
Những chia sẻ của bà Mawe cũng là tiếng lòng của rất nhiều vị đại sứ, nhà ngoại giao nước ngoài – những người từng gắn bó nhiều năm với Việt Nam. Đối với họ, Hà Nội không phải nơi để đến, mà là nơi để trở về.
“Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình là một người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam. Tôi ứng xử, làm việc, suy nghĩ và giao lưu như một người bản xứ – một người Hà Nội. Điều đó tạo cho tôi một niềm tự hào rất lớn”, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, ông Saadi Salama cởi mở chia sẻ.
Là vị đại sứ đã gắn bó với Việt Nam suốt hơn 40 năm qua, ông Salama coi Việt Nam như quê hương thứ hai và dành cho nơi đây những tình cảm rất đặc biệt. Trong những năm tháng sống và làm việc ở Hà Nội, ông cảm nhận rõ những bước phát triển của Thủ đô cả về kinh tế, xã hội, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế… “Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả dân tộc Việt Nam, đã có những bước phát triển đặc biệt về kinh tế, xã hội và đối ngoại”, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam nhận định, đồng thời cho rằng Hà Nội đã phát triển nhanh ngoài sức tưởng tượng.
Du khách quốc tế trải nghiệm du lịch quanh phố cổ Hà Nội bằng xích lô. Ảnh: TUẤN HUY |
Lần đầu đến Hà Nội năm 1980, chàng thanh niên Palestine thấy Thủ đô của Việt Nam xinh đẹp, hiền hòa, yên bình. Phương tiện ở Hà Nội khi đó chủ yếu là xe đạp, nhà cao nhất không quá 5 tầng. Còn bây giờ, Hà Nội là một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao và quy mô lớn hơn trước rất nhiều về cả diện tích và dân số. “Tôi may mắn được chứng kiến những đổi thay của thành phố này ở mọi bước ngoặt quan trọng nhất suốt hơn 40 năm qua. Bởi thế, tôi luôn nhìn Hà Nội với hai cảm xúc, đó là niềm vui về sự đổi mới của một Hà Nội hiện đại và chút luyến tiếc, hoài niệm khi những đường nét cũ đang dần mất đi”, Đại sứ Salama nói.
Cũng theo Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, Hà Nội đã vượt qua những thử thách và vẫn giữ vững sự phát triển ổn định với nhiều chỉ số kinh tế quan trọng. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội đã trở thành “ngọn hải đăng” cho sự thay đổi thần kỳ trong công tác đối ngoại, cũng như thay đổi vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố của các nước, có quan hệ kinh tế-thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ… Đặc biệt, Hà Nội luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
“Tôi hiểu Hà Nội đã rất khác so với thời bao cấp, cũng như giai đoạn mở cửa mà tôi có dịp trải nghiệm cuối thập niên 1980. Đó là một thành phố hiện đại, đang vươn mình để trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới. Tôi tin mọi người dân Hà Nội và Việt Nam, trong đó có tôi vô cùng tự hào với những gì Hà Nội đã và đang làm được”, ông Salama chia sẻ.
qdnd.vn
Nguồn:https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/ha-noi-thanh-pho-vi-hoa-binh-nhung-an-tuong-dep-trong-mat-ban-be-quoc-te-796775