Kinhtedothi- Chiều 20/12, Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Quý IV/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.
Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy với tổng số 594 điểm cầu và hơn 11.313 đại biểu từ TP xuống các phường, xã, thị trấn.
Hội nghị đã thảo luận về việc tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn TP Hà Nội hướng tới TP “sáng, xanh, sạch, đẹp”
Từng bước giảm thiểu ô nhiễm không khí
Báo cáo về tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Sở TN&MT Lê Thanh Nam cho biết, trong thời gian qua TP đã triển khai các biện pháp nhằm từng bước giảm thiểu ô nhiễm không khí như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm sát chất lượng môi trường không khí; giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Trên địa bàn TP hiện có 2 trạm quan trắc không khí tự động liên tục và 6 trạm cảm biến đang hoạt động. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất đầu tư các hệ thống trạm quan trắc không khí tự động liên tục theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở thông tin, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng không khí.
Đến nay, Hà Nội đã xóa bỏ được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong; giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp ở ngoại thành, đốt rác tự phát; chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận, thị xã đã trồng được hơn 147.500 cây bóng mát, 110.806 cây cảnh, khóm; 549.449m² mảng cây, thảm cỏ.
Đối với công tác thu gom, vận chuyển rác, xử lý, các quận, huyện, thị xã là đơn vị trực tiếp quản lý, đảm bảo tiêu chí thu gom, vận chuyển hết rác thải phát sinh trong ngày trên địa bàn về các Khu xử lý tập trung của TP.
Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh trong ngày trên địa bàn các quận đạt 100%; trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây từ 95 – 100%. Tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP được chuyển về các Khu xử lý khoảng 6.800 – 7.500 tấn/ngày.
Để giải quyết việc xử lý rác thải, TP đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các công trình, dự án xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại. Thành phố đã đưa Nhà máy điện rác Sóc Sơn với quy mô lớn và hiện đại (công suất xử lý 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 90MW) vào hoạt động, giảm thiểu việc chôn lấp. Tiếp tục hoàn thành và đưa vào hoạt động Dự án nhà máy điện rác Seraphin công suất 37MW trong quý I/2025. Hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án xử lý rác thải tại huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ.
Về thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, UBND các quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) đã triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đạt kết quả tích cực.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, về một số chỉ tiêu lớn, TP phấn đấu 100% các quận, huyện, thị xã, khu dân cư tổ chức phong trào tự quản về môi trường. 100% quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể thực hiện phần loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; chủ động lựa chọn đối tượng và địa bàn ưu tiên triển khai mô hình phân loại, giảm phát thải chất thải rắn sinh hoạt theo lộ trình và đánh giá, nhân rộng các mô hình tốt.
Phấn đấu 75 – 80% số ngày trong năm (theo số liệu các trạm quan trắc chuẩn của quốc gia và TP) có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình; kiểm soát nồng độ PM2.5 trung bình năm đến năm 2030 ở phần lớn các trạm chuẩn trong khu vực nội đô dưới mức 40ug/Nm3 và dưới mức 35ug/Nm3 đối với các khu vực ngoại thành. 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% khí thải từ các nhà máy công nghiệp được xử lý đạt QCVN; 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; giảm việc đốt vàng mã.
Cần áp dụng chế tài mạnh với vi phạm về môi trường
Thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư cho biết, thời gian qua quận đã tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng văn minh, hiện đại, áp dụng tối đa cơ giới hóa. “Hiện quận Hoàn Kiếm đã xóa 45 điểm chân rác vào ban ngày và người dân đã dần có ý thức trong việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định” – bà Lê Anh Thư thông tin.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, nâng cao tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt được triển khai hiệu quả, đạt 100% tại 18 phường. Bên cạnh đó, hồ Hoàn Kiếm đã được cải tạo thường xuyên để đảm bảo vệ sinh và tạo môi trường trong lành cho người dân và du khách.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất TP hỗ trợ quận triển khai các dự án giao thông xanh như phát triển xe buýt điện hoặc xe đạp công cộng; đầu tư thêm các trạm quan trắc không khi tại các khu vực trọng điểm để tăng cường khả năng giám sát và cảnh báo sớm. Đặc biệt, đề xuất TP có biện pháp xử lý mạnh hơn các hành vi vi phạm môi trường để tăng tính răn đe.
Tại điểm cầu quận Ba Đình, theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, từ năm 2019 trên địa bàn quận đã xóa bếp than tổ ong nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, vì vậy chỉ số quan trắc luôn trong ngưỡng cho phép. Thời gian tới quận sẽ quan tâm để tiếp tục nâng cao chất lượng mức chỉ số này…
Đồng thời, quận luôn bảo đảm thu gom rác thải trong ngày với khối lượng hơn 100 nghìn tấn; giảm 13 điểm tập kết rác gây mất mĩ quan đô thị; thực hiện phân loại rác thải cồng kềnh, tái chế rác thải có hiệu quả, tuy nhiên, khó khăn trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn là thay đổi thói quen của người dân về phương án thu gom rác. “Cùng với tuyên truyền, quận đã lắp đặt 1.500 camera theo dõi giám sát, sắp tới sẽ lắp thêm 2.850 camera để theo dõi để theo dõi, xử lý” – Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết.
Đối với huyện Phú Xuyên, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Bính thông tin, huyện có nhiều làng nghề và các dòng sông Nhuệ với chiều dài 15km chạy qua địa bàn; để giảm thiểu ô nhiễm bụi, không khí, UBND huyện chỉ đạo lực lượng công an tăng cường thường xuyên kiểm tra các xe chở vật liệu xây dựng trên địa bàn; phun nước tưới rửa đường tỉnh lộ, quốc lộ, làng nghề; quản lý chặt việc đốt rơm rạ, vệ sinh môi trường, gắn trách nhiệm của Bí thư cấp ủy các xã, thị trấn và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn vào việc quản lý vệ sinh môi trường.
Với quản lý rác thải làng nghề, theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, đây là khó khăn chung của các làng nghề, huyện thực hiện xã hội hóa, các xã chủ động, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa của các hộ dân trong làng nghề đóng góp và ký hợp đồng với các đơn vị thu gom chuyên nghiệp để bảo đảm vệ sinh môi trường cho làng nghề.
Huyện Phú Xuyên kiến nghị Sở TN&MT sớm có đánh giá tổng thể để xử lý nước thải trên các dòng sông, đặc biệt là sông Nhuệ; cùng với đó, đề nghị TP cho phép lập dự án, cấp kinh phí đầu tư kè sông Nhuệ trên địa bàn để bảo đảm vệ sinh môi trường, chống tái vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm lòng sông trên địa bàn. Huyện cũng kiến nghị Công an TP tăng cường xử lý xe chở vật liệu xây dựng không bảo đảm tiêu chuẩn để chống bụi thi công ở công trường.
Tập trung trồng cây xanh để cải thiện không khí
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho rằng, giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí là tăng cường trồng cây xanh – đây là một trong những giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong thời gian qua TP đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ thông qua việc ban hành các kế hoạch, dự án và thực hiện duy tu duy trì, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện thời gian tới triển khai Tết trồng cây; tiếp tục rà soát để có khối lượng các ô trống trên tuyến đường, phố, các diện tích có thể trồng cây. Đặc biệt thực hiện khôi phục diện tích cây xanh bị gãy đổ trong bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao các sở, ngành đã nắm chắc công việc và chủ động triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Nhấn mạnh hai nội dung về thực hiện phong trào “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp” và tổ chức các hoạt động Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ là việc của cả hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều biện pháp phù hợp, đi vào cuộc sống.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh lưu ý điểm khác biệt của phong trào Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp lần này là sự tiếp nối của các phong trào trước đây và không có đích đến, không có điểm dừng, không phát động theo tuần, theo tháng mà làm liên tục hàng ngày, hàng giờ vì một thành phố xanh, sạch, đẹp hơn.
“Chúng ta phải quyết tâm để trong vòng 1, 2 năm tới có thay đổi căn bản, 3-5 năm tới có thay đổi sâu hơn đối với những vấn đề đang đối mặt” – Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu.
Để có một thành phố sạch, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị phải thay đổi cách làm. Cả hệ thống chính trị đến từng người dân phải tham gia giám sát, tổ chức thực hiện và tạo ra được phong trào thi đua chung trong từng khối phố, từng quận, huyện.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tao-diem-khac-biet-tu-phong-trao-sang-xanh-sach-dep-de-thay-doi-sau-hon-trong-cai-thien-moi-truong.html