Chiều 30/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” (Techconnect and Innovation VietNam 2024) với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo – Động lực cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững”.
Techconnect and Innovation Vietnam 2024 được tổ chức với quy mô quốc gia, bao gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là diễn đàn trao đổi thảo luận nhằm hoàn thiện, thực thi hiệu quả các giải pháp, chính sách kết nối cung cầu, chuyển giao, phát triển công nghệ.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2024, Việt Nam hiện xếp hạng 44/133 quốc gia, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Trong suốt 10 năm qua, xếp hạng của chúng ta đã tăng hơn 30 bậc, một minh chứng rõ rệt cho quyết tâm của Việt Nam về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đây không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh đó, sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là một trong những hoạt động có định hướng của Bộ KH&CN nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo, ông Lê Hồng Sơn – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội cho hay, Hà Nội hiện tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước, trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Đây là nơi có hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Đó cũng là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như thiếu cơ chế đặc thù, đột phá cho phát triển khoa học và công nghệ, hạ tầng công nghệ cao chưa hoàn thiện. Điển hình là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với những khó khăn, thách thức cả về hạ tầng kỹ thuật, vốn và cơ chế thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên. Trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới. Điều này sẽ giúp Hà Nội tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ công nghệ, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ha-noi-se-thu-nghiem-co-kiem-soat-nhieu-cong-nghe-moi-2327491.html