(Dân trí) – Hà Nội đang phấn đấu từ nay đến năm 2025 đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận, sau đó tiến tới thành lập quận Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng trước năm 2030.
Nội dung trên được UBND TP Hà Nội đề cập tại tờ trình về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố. Tờ trình dự kiến được HĐND TP xem xét, thông qua tại kỳ họp chuyên đề sáng 15/5.
Tờ trình nêu rõ thành phố có một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp là quận Hoàn Kiếm.
Hà Nội nêu lý do quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của thành phố.
Đây cũng là quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Hà Nội thống nhất không thực hiện sắp xếp quận Hoàn Kiếm do có yếu tố đặc thù (Ảnh: Hữu Nghị).
Ngoài ra, khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ bao gồm: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Cửa Đông, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ, gắn với lịch sử hình thành lâu đời của khu 36 phố phường, có 5 cửa ô từ đầu thế kỷ XX.
“Nếu thực hiện sắp xếp quận sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong thời gian tới”, tờ trình của UBND TP Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 16 của Thành ủy Hà Nội với nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.
Đến nay, đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận đã được HĐND TP thông qua vào tháng 7/2023. Đồng thời, chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm cũng đã được thông qua vào tháng 9/2023.
Vì vậy, việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Gia Lâm sẽ được thực hiện trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội.
Với các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, địa phương đang triển khai công tác xây dựng đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.
Đề án cũng thể hiện Hà Nội hiện có 579 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025, thành phố còn lại 518 đơn vị gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn; giảm 61 đơn vị.
Theo phương án trước đó của UBND TP, sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm 70 đơn vị, từ 579 đơn vị xuống còn 509 đơn vị.
Tuy nhiên, 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này. Thay vào đó, 3 địa phương thực hiện trong đề án xây dựng huyện lên quận trong thời gian tới.
Vì vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội dự kiến chỉ giảm 61 đơn vị, gồm 46 xã và 15 phường.
Về kết quả lấy ý kiến cử tri thời gian qua, thành phố có hơn 924.000 cử tri cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, đạt tỷ lệ 99,02%. Trong đó, 95% tổng số cử tri đồng ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính và 96,54% số cử tri đồng ý về tên gọi đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Tên các phường, xã, thị trấn mới ở Hà Nội sau khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại giai đoạn 2023-2025 (Đồ họa: Thủy Tiên – Hà Mỹ).
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-sap-co-them-hai-quan-20240514165132194.htm