Ngày 7/11, Đoàn giám sát số 02 của Thường trực HĐND Thành phố do Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với quận Hoàn Kiếm về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn quận.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận Trịnh Hoàng Tùng cho biết, trong những năm qua công tác quản lý giao thông, trật tự đô thị đô thị luôn được Quận uỷ, HĐND, UBND quận quân tâm chỉ đạo quyết liệt.
Từ đầu năm 2020, theo phân cấp, quận đã đầu tư 04 dự án đầu tư và quản lý giao thông đô thị, trong đó đã hoàn thành 02 dự án, 02 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Về việc bố trí sắp xếp các điểm giao thông tĩnh, trên địa bàn quận có 64 phố có mặt cắt hè ≥ 3,5m đủ điều kiện cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để xe đạp xe máy theo đúng thẩm quyền, đúng quy định (đảm bảo tối thiệu 1,5m cho người đi bộ).
Hiện nay, phòng quản lý đô thị đã tham mưu UBND quận cấp phép tạm thời sử dụng hè phố để trông giữ phương tiện cho 48 tổ chức, cá nhân, với tổng số diện tích là 12.030,95m2 gồm 176 điểm.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cấp phép tạm thời sử dụng lòng đường để trông giữ phương tiện cho 7 đơn vị, tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích là 8.658m2 tại 69 điểm.
Đến nay, cơ bản các đơn vị và các tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để trông giữ phương tiện thực hiện tốt các quy định trong việc tổ chức trông giữ phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và nơi gửi phương tiện của người dân và du khách.
Đối với việc bố trí, sắp xếp các hộ kinh doanh trên vỉa hè, hiện nay UBND quận đã cấp phép sử dụng tạm thời hè phố cho 4 đơn vị để kinh doanh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm (các mặt hàng chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh…) tại 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền đảm bảo văn minh, lịch sự và mỹ quan đô thị.
Qua kiểm tra giám sát của các lực lượng chức năng các địa điểm được cấp phép đã chấp hành tốt các quy định, đảm bảo trật tự đô thị, văn minh đô thị…
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được quan tâm. Từ ngày 01/1/2020 đến 30/9/2023, các lực lượng chức năng toàn quận đã kiểm tra xử lý 51.515 trường hợp vi phạm với tổng số tiền khoảng 29,8 tỷ. Riêng 9 tháng năm 2023, xử lý 10.301 trường hợp, khoảng 10,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Hoàng Tùng, quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, dịch vụ, du lịch của Thủ đô, nên thu hút rất nhiều du khách, thương nhân đến tham gia kinh doanh buôn bán, tham quan du lịch cho nên gây ra sự quá tải về hạ tầng kĩ thuật đô thị, dễ gây bức xúc cho nhân dân.
Bên cạnh đó, đô thị quận Hoàn Kiếm là đô thị cổ, cũ đã hình thành từ rất nhiều năm nên hạ tầng kĩ thuật đô thị, hạ tầng xã hội đều bất cập, nhiều vấn đề không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định hiện tại của nhà nước.
Các tuyến phố của quận nhất là khu vực phố cổ chủ yếu vỉa hè, lòng đường nhỏ hẹp, đa số vỉa hè nhỏ hơn 3,5 và không có vỉa hè nên không đủ điều kiện để bố trí điểm trông giữ phương tiện, do vậy xảy ra tình trạng để phương tiện sai quy định trên hè, đường phố (không đảm bảo lối đi cho người đi bộ).
Quận Hoàn Kiếm chủ yếu là các hộ buôn bán, kinh doanh mặt phố và có diện tích cửa hàng nhỏ nên dẫn tới việc cố tình bầy hàng hóa, để bàn ghế ra hè phố, lòng đường hoặc chiếm dụng khoảng không để bầy hàng hóa. Nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện cá nhân ngày càng tăng cao, trong khi phương tiện giao thông công cộng chậm phát triển, các điểm giao thông tĩnh tập trung chưa được được đầu tư xây dựng nên thiếu chỗ để phương tiện của người dân và du khách…
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo một số sở của Thành phố và quận Hoàn Kiếm đã trao đổi, làm rõ thêm về một số nội dung: triển khai quy hoạch giao thông còn chậm; Tình trạng vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán; Phương tiện dừng đỗ sai quy định trên các tuyến phố; Công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, nguồn lực của quận…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên cho rằng, mặc dù có nhiều kết quả đạt được, nhưng với vị trí là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, dịch vụ, du lịch của Thủ đô, thì vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Nhấn mạnh Hoàn Kiếm là quận lõi, “đất hẹp nhưng phải tinh”, ông Phạm Quí Tiên lưu ý quận cần chọn những điểm mang tính khác biệt so với cái chung của Thành phố.
Ông Tiên cũng đề nghị quận Hoàn Kiếm cần phối hợp tốt với các sở ngành để nghiên cứu, đề xuất cơ chế xử lý đối với những công trình vướng về giải phóng mặt bằng để tạo cảnh quan đô thị; Kèm theo đó là cơ chế tạo nguồn để có kinh phí thực hiện.
Liên quan đến giá trông giữ xe của các bãi gửi xe ngầm, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị các sở, ngành Thành phố nghiên cứu có mức khung giá đối với các quận nội thành, đặc biệt Hoàn Kiếm cần có mức giá riêng, trên cơ sở đó trình HĐND Thành phố quyết định.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát hệ thống phân cấp đảm bảo phù hợp. Nghiên cứu thêm cơ chế thu phí lòng đường vỉa hè để dành nguồn cho quận thực hiện chỉnh trang đô thị…