Đầu rồng thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long có mã định danh hiện vật là Đầu rồng C7-5201, được công nhận là Bảo vật quốc gia lần thứ 11, là minh chứng cho sự kế thừa và tiếp nối Thăng Long của nhà Trần.
Theo hồ sơ bảo vật, Đầu rồng C7-5201 là khối tượng tròn, cao 60cm. Đầu rồng thể hiện rồng ở tư thế chuyển động, bờm và mào chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước. Đầu rồng có má phình rộng; miệng mở to, ngậm ngọc báu, răng thể hiện rõ ràng; mũi và môi trên biến thành mào lửa hình lôi văn chữ S. Răng nanh dài và uốn cong lên theo mào lửa. Lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn lên môi trên theo mào lửa. Mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên. Tai to, rộng, được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm. Thân phủ kín vảy.
Bảo vật quốc gia Đầu rồng Thăng Long đang được bảo quản, trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội |
Sau khi phát hiện, hiện vật được đưa lên khỏi hố, làm sạch, đặt ký hiệu, lập hồ sơ và được gắn chắp, phục nguyên phần vỡ bằng bột đá và keo hai thành phần. Phần phục chế được làm lại màu với sắc độ có chút khác biệt so với phần nguyên. Năm 2014, Viện Khảo cổ học bàn giao Đầu rồng C7-5201 cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội thống nhất quản lý, trưng bày, giới thiệu. Năm 2023, Đầu rồng Thăng Long là một trong 27 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, đến nay, Thăng Long là nơi phát hiện nhiều tiêu bản rồng nhất. Tượng rồng thường được đặt trang trí trên bộ mái, ở đầu kìm, tức là ở đỉnh đầu hồi của công trình, tượng trang trí ở vị trí này thường được gọi là con Kìm; vị trí thứ hai đặt tượng rồng là ở điểm kết thúc của bờ chảy. Ở vị trí này, tượng thường được gọi chung là con Sô. Đầu rồng Thăng Long C7-5201 thuộc nhóm thứ nhất, tức con Kìm. Căn cứ hình dáng, kỹ thuật chế tác, địa tầng xuất lộ tượng đầu rồng Hoàng thành Thăng Long được làm dưới thời Trần, có niên đại vào khoảng thế kỷ 13.
So sánh với các tiêu bản khác đã được biết đến, Đầu rồng Thăng Long C7-5201 thuộc nhóm có kích thước lớn. Phiên bản đầu rồng lớn nhất hiện biết là đầu rồng thời Lý phát hiện tại hố A11, tiêu bản này chỉ còn phần mào, đã được phục nguyên chiều cao tượng 110cm.
“Toàn bộ hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, trong đó có phiên bản đầu rồng, được Viện Nghiên cứu Kinh thành phục dựng bằng công nghệ 3D và chiếu sáng nghệ thuật giúp người xem có thể dễ dàng hình dung về quy mô và vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa, tại tầng hầm 1 tòa Nhà Quốc hội. Viện đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phục dựng các hiện vật thời Trần, đặc biệt trong đó là Bảo vật quốc gia Đầu rồng Thăng Long”, PGS, TS Bùi Minh Trí cho hay.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, hình tượng rồng thường xuất hiện trong các công trình văn hóa xưa, ít được hình tượng hóa trong ngày nay. Theo ông, cần phục hưng hình tượng rồng, nhất là những hình tượng được khai quật trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ông đề xuất, nên chăng những hình tượng rồng-bảo vật quốc gia này được các nghệ nhân làng nghề gốm, đồng… lấy làm mẫu để chế tác nên những sản phẩm làm quà tặng quốc gia, trở thành đồ lưu niệm ý nghĩa mang cả giá trị văn hóa và kinh tế, góp phần quảng bá, lan tỏa di sản của cha ông ngàn đời để lại.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ha-noi-ngan-nam-vang-vong-tang-pham-quoc-gia-dau-rong-thang-long-733073