Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 3419/KH-SYT về nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Nâng chỉ số hài lòng bệnh nhân
Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tập trung thực hiện nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế ở tất cả các khoa, phòng.
Tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân có xu hướng tăng thời gian qua. |
Trước hết, tại khoa khám bệnh bảo đảm quy trình khám bệnh theo dây chuyền một chiều, thuận tiện, liên hoàn với bộ phận xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh và quản lý được thông tin, dữ liệu khám bệnh.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế tránh chỉ định điều trị nội trú trong các trường hợp không cần thiết nhằm giảm gánh nặng phục vụ, giảm chi phí của người bệnh.
Thường xuyên lấy ý kiến đóng góp của người bệnh và người nhà người bệnh tại các đơn vị bằng nhiều hình thức như hòm thư góp ý, sổ góp ý, điện thoại đường dây nóng, họp hội đồng người bệnh, phiếu phỏng vấn trực tiếp.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc… tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc, bộ phận cấp cứu của các khoa lâm sàng luôn sẵn sàng, đầy đủ theo quy định; tuân thủ quy trình “Báo động đỏ” nội viện, ngoại viện; phòng ngừa các sự cố y khoa.
Còn tại khoa Gây mê hồi sức, bố trí các phòng một chiều theo quy định. Tại phòng mổ, mỗi phòng bảo đảm có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hệ thống ô xy, khí nén, máy hút chân không, máy mê kèm thở, mornitor, bơm tiêm điện…
Tại các khoa lâm sàng cần nâng cao năng lực cấp cứu, hoàn thiện đơn vị cấp cứu của khoa.
Thực hiện tốt các kỹ thuật thường quy, danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng điều trị.
Hỗ trợ người bệnh hoàn thiện các thủ tục hành chính; hạn chế phải nằm ghép; đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho người bệnh…
Tại khoa xét nghiệm, cần tuân thủ các quy định của Bộ Y tế về quản lý chất lượng xét nghiệm, chất lượng phòng xét nghiệm, bảo đảm an toàn sinh học…
Phân công rõ cán bộ đảm nhiệm các khâu trong quá trình xét nghiệm và trả kết quả, gắn trách nhiệm cán bộ thực hiện kỹ thuật với chất lượng kết quả xét nghiệm, thực hiện công tác nội kiểm, ngoại kiểm theo quy định.
Được biết, trong quý II/2024, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh ở 41/42 bệnh viện công lập và 40/43 bệnh viện ngoài công lập.
Kết quả cho thấy, mức độ hài lòng chung của người bệnh, người dân đối với khối bệnh viện là 97,2%; ở bệnh nhân nội trú là 96,63, người bệnh ngoại trú là 96,74%.
Kết quả khảo sát người bệnh ngoại trú đến khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm cấp cứu 115 đạt tỷ lệ hài lòng trung bình là 95,76%.
Dấu hiệu nhận phình mạch máu não
Chị N.T.H. (46 tuổi) ở Phù Yên, Sơn La, với triệu chứng thường xuyên bị đau đầu kèm với buồn nôn. Chị đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám, được các bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ 3.0T mạch não, kết quả phát hiện chị H. bị phình cổ rộng động mạch cảnh trong hai bên đoạn xoang hang.
Động mạch cảnh bên trái có nguy cơ vỡ cao hơn nên đã được các bác sĩ trong ekip đặt stent chuyển dòng trước, động mạch cảnh bên phải sẽ làm trong thì sau.
Kích thước túi phình 4,5mm x 5,5mm cổ túi 4mm. Đây là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu dai dẳng mà chị H. phải chịu đựng.
Với trường hợp của người bệnh H, sau khi được phát hiện khối phình mạch não, người bệnh được hội chẩn bởi các bác sỹ có chuyên môn cao trong lĩnh vực can thiệp mạch máu não thuộc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và được chỉ định đặt stent chuyển hướng dòng chảy điều trị túi phình.
Sau khi được tư vấn phình mạch não sẽ vỡ bất kỳ khi nào và mức độ nguy hiểm khi túi phình vỡ sẽ để lại các di chứng rất nặng nề, thậm chí tử vong.
Người bệnh đã được các bác sỹ của Trung tâm đột quỵ thực hiện can thiệp đặt stent chuyển dòng mạch não, thời gian can thiệp chỉ khoảng 2 giờ.
Ngay sau khi đặt xong stent, dòng máu đi vào trong lòng túi phình giảm hẳn, đã được kiểm soát và nguy cơ vỡ túi phình cũng giảm theo
Bác sỹ Phan Ngọc Nhu Trưởng khoa điều trị Thần kinh Đột quỵ bán cấp trực tiếp can thiệp cho người bệnh giải thích, khi máu không đi vào túi phình nữa thì dần dần túi phình này sẽ hình thành huyết khối bên trong, sau một thời gian túi phình sẽ mất hoàn toàn.
Về lâu dài, tế bào nội mô bò lên trên stent, hình thành một lớp nội mạch mới. Ca can thiệp nội mạch cho người bệnh N.T.H thành công không có biến chứng trong và sau can thiệp.
Sau khi đặt stent chuyển dòng, người bệnh vẫn có thể hoạt động và đi lại bình thường, có thể xuất viện sau vài ngày.
Bác sỹ Nhu cho biết thêm bệnh lý phình mạch máu não chiếm khoảng 5% dân số. Điều đáng lo ngại là biểu hiện bệnh rất mơ hồ, chỉ đơn thuần là các cơn đau đầu, nên dễ bị nhầm với các nguyên nhân bệnh khác.
Tuy vậy, nếu không điều trị, theo thời gian túi phình to dần lên và có thể vỡ ra bất cứ khi nào.
Để phát hiện sớm bệnh phình mạch máu não, cách duy nhất là chụp dựng mạch máu não tầm soát ở những đối tượng nguy cơ, độ tuổi trung niên từ 45 tuổi trở lên, yếu tố gia đình, có bệnh lý ảnh hưởng chất lượng thành mạch máu như: tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, béo phì…
Những ai đau đầu kéo dài mà điều trị không khỏi thì cũng nên tầm soát bằng cách chụp cộng hưởng từ. Những trường hợp chưa rõ ràng cần chụp DSA khảo sát mạch máu.
Suy thận do say nắng
Người đàn ông 60 tuổi, ra đồng phun thuốc trừ sâu giữa trưa nắng nóng, về nhà co rút cơ, vã mồ hôi, khát nước, vào viện bác sỹ chẩn đoán suy thận do say nắng, say nóng.
Thông tin từ các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chẩn đoán người bệnh sốc giảm thể tích, mạch nhanh (110 lần/phút), huyết áp tụt (80/40mmHg), suy thận cấp, toan chuyển hóa tăng do say nóng, sốc nhiệt. Kíp cấp cứu đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và bù nước, điện giải cho bệnh nhân.
Sau ba giờ cấp cứu, tình trạng bệnh nhân ổn định, tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức
Say nắng, say nóng là hiện tượng thường gặp trong mùa hè, ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Say nắng, say nóng khiến cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, khả năng dẫn đến đột quỵ.
Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Để phòng chống say nắng nóng, khi ra ngoài cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
Uống đầy đủ nước, uống dù chưa cảm thấy khát, pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
Người bị say nắng, say nóng cần đưa vào chỗ mát, thoáng khí, đồng thời gọi cấp cứu hỗ trợ.
Áp dụng các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ như cởi áo, chườm mát cơ thể. Cho nạn nhân uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu tỉnh táo, có thể uống được. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để điều trị kịp thời.
Bác sỹ khuyến cáo trong mùa hè tránh làm việc trong nắng gay gắt từ 11h đến 14h và không mặc quá nhiều quần áo bí, không thấm mồ hôi.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-307-ha-noi-nang-chi-so-hai-long-benh-nhan-d221095.html