Chiều 7/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương chủ doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể Nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024).
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong – Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn.
Tham dự Hội nghị có 150 đại biểu là chủ DN tiêu biểu, đại diện cho trên 2.300 DN có tổ chức đảng trên địa bàn TP.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế
Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc cho biết, sau hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, chất lượng công tác xây dựng Đảng tại các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước (DNNNN) được nâng lên rõ rệt; vai trò, vị trí của tổ chức đảng từng bước được nâng cao; nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp đề ra các giải pháp, chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng ổn định và phát triển; tích cực tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong DN. Một trong những nguyên nhân quan trọng để đạt được kết quả nêu trên đó là sự đồng thuận, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ của các chủ DN tư nhân đối với hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong DN. Tuy nhiên, công tác xây dựng đảng trong các tổ chức đảng ở DN nói chung và DNNNN còn nhiều hạn chế.
Trước tình hình này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5491-QĐ/TU về việc ban hành “Khung quy chế mẫu phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức Đảng với ban lãnh đạo DN trong DNNNN trên địa bàn TP Hà Nội”. Sau 1 năm thực hiện, cơ bản các tổ chức Đảng trong DBNNN đã ký kết, ban hành quy chế phối hợp; chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể được nâng lên; vị thế, vai trò của cấp ủy được phát huy. Nhiều tổ chức Đảng đã khẳng định là hạt nhân lãnh đạo trong DN, phối hợp chặt chẽ với chủ DN đồng hành cùng sự phát triển của DN. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy còn nhiều đơn vị gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, ký kết và thực hiện quy chế, nhất là các DN có vốn FDI, DN liên doanh…
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Hiệu quả của việc thực hiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức Đảng với chủ DN, ban lãnh đạo DN trong xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể gắn với phát triển DN bền vững”.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, cùng với việc biểu dương các doanh nhân, DN tiêu biểu trong trong triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU, việc tổ chức tọa đàm là dịp để các DN, doanh nhân chia sẻ những kinh nghiệm hay để tới đây tiếp tục triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp.
Ban Chỉ đạo TP mong muốn được lắng nghe các ý kiến, trao đổi, chia sẻ của các đồng chí là chủ DN đánh giá sau 1 năm triển khai, thực hiện Quy chế phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng với Ban lãnh đạo DN trong DNNNN trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, ký kết thực hiện Quy chế phối hợp; những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Qua đó, để tổ chức đảng trong DNNNN thực sự phát triển tốt vai trò, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, cầu nối giữa Đảng với Doanh nghiệp để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Toàn Thành phố đã thành lập được 1.931 tổ chức Đảng trong các DNNNN
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư (khoá X), Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó xác định việc thành lập, phát triển tổ chức đảng đi đôi với củng cố, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức Đảng trong các DNNNN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy các cấp và của cả hệ thống chính trị.
Tháng 7/2020, từ yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành Kết luận số 67-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Trong đó xác định phải tập trung nâng cao chất lượng của tổ chức Đảng sau thành lập và các tổ chức Đảng trong các DN cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, làm nòng cốt phát triển tổ chức Đảng.
Từ khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU đến nay, toàn TP Hà Nội đã thành lập được 1.931 tổ chức Đảng trong các DNNNN, kết nạp 12.717 đảng viên, trong đó có 67 chủ DN tư nhân được kết nạp Đảng; thành lập được 8.655 tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên, kết nạp được 587.258 đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức đoàn thể.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, chất lượng công tác xây dựng Đảng tại các tổ chức đảng trong DNNNN được nâng lên rõ rệt; vai trò, vị trí của tổ chức đảng từng bước được nâng cao. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động phối hợp cùng lãnh đạo DN đề ra các giải pháp, chiến lược sản xuất, kinh doanh…
Các ý kiến, trao đổi của các chủ DN tại toạ đàm đã chia sẻ về vị trí, vai trò của quy chế phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng với Ban lãnh đạo DN trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị của DN. Đồng thời, chỉ ra thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, một số kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện… Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị cụ thể nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên; phát huy vai trò, vị trí của tổ chức đảng, đoàn thể trong các DNNNN…
Tạo ra cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đã thông tin một số nội dung liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN trên địa bàn TP. Đồng thời, thông tin về công tác tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN tại TP Hà Nội trong năm 2024 đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, 150 DNNNN có tổ chức Đảng tiêu biểu và 30 Đảng ủy khối của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, sau 70 năm giải phóng, diện mạo, tầm vóc và kinh tế – xã hội của Thủ đô đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Điều này lại càng làm cho Hà Nội có những điều hiện để phát triển hơn nữa. Trong sự trưởng thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội hôm nay có sự đóng góp vô cùng quan trọng của các DN nói chung, nhất là DNNNN, DN tư nhân, DN cổ phần, DN liên doanh, DN FDI.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU là việc mới, rất khó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, để triển khai đòi hỏi phải quyết tâm cao, kiên trì, bền bỉ tìm giải pháp phù hợp thực tiễn để thực hiện. Đến nay, sau hơn 12 năm thực hiện, có thể khẳng định Nghị quyết 09-NQ/TU đã đúng, trúng và ở góc độ khác, đúng cả lý luận luận và phù hợp tình hình thực tiễn của Thủ đô.
Phó Bí thư Thành ủy cũng nhìn nhận, so với số DN trên địa bàn thì con số các tổ chức Đảng trong DN còn rất khiêm tốn, do đó, việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DNNNN là việc làm cần thiết. Thực tế cho thấy, DNNNN nào có tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể thì phát triển bền vững hơn, tạo được sự gắn kết giữa người lao động và lãnh đạo DN.
Bày tỏ vui mừng khi trong buổi giao lưu có cả chủ DN là người nước ngoài, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, TP Hà Nội sẽ đồng hành và tạo điều kiện phối hợp để DN phát triển tốt hơn nữa và mong muốn các tổ chức Đảng, đoàn thể trong trong DNNNN tiếp tục phát huy vai trò của mình.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục thống nhất nhận thức, việc phát triển các tổ chức đảng đoàn thể trong các DNNNN là việc làm khó, nhưng trong bối cảnh DN còn nhiều khó khăn như hiện nay, đây lại một việc rất quan trọng cần phải làm. Do đó, kiên trì thực hiện và rất linh hoạt, bằng nhiều giải pháp khác nhau, phù hợp với từng loại hình, điều kiện khác nhau của DN. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và trước hết là đối với các chủ DN. Qua đó, để các chủ DN thấy rằng việc thành lập tổ chức Đảng hay tổ chức đoàn thể chính là đồng hành cùng sự phát triển bền vững của DN; đồng hành cùng sự chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ DN cũng như người lao động.
Ngoài ra, vấn đề căn cơ, quan trọng để phát triển bền vững, lâu dài đó chính là TP tiếp tục phải cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số để hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả thông cho các DN.
Đối với việc thực hiện khung quy chế mẫu phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng với Ban lãnh đạo DN trong DNNNN trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy đánh giá, đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tăng cường cái sự lãnh đạo của các cấp uỷ đối với các đoàn thể Nhân dân trong các DN. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần bảo đảm được sự hài hòa về lợi ích.
Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị chính quyền cũng như các tổ chức đoàn thể TP tăng cường các hoạt động hỗ trợ, chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trên địa bàn toàn TP. Đồng thời, tiếp tục tăng cường việc đối thoại, trao đổi với các DN nói chung, đặc biệt là các DN có tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên. Qua đó, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn trong thẩm quyền mà TP có thể giải quyết được. Từ đó, tạo ra cầu nối giữa DN với chính quyền, lãnh đạo TP, để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-luon-dong-hanh-cung-su-phat-trien-ben-vung-cua-cac-doanh-nghiep.html