Chậm lại chút, để cho vội vã cứ việc vùn vụt về phía trước, anh có quyền chùng nhịp lao như một mũi tên của mình. Có quyền là bởi, bao lâu nay anh đã lao như thế rồi. Giờ được phép chùng chậm lại. Đơn giản thế thôi! Để nhận ra những bóng đèn đã thắp lên trên các ruộng hoa Liên Mạc, Tây Tựu… của Bắc Từ Liêm, Hà Nội không khó.
Những chuỗi đèn hơi võng một chút, những dây đèn dài kéo miết ra xa. Hàng trăm chuỗi, dải đèn như thế, bóng màu trắng sữa, bóng màu vàng ấm thắp lên huy hoàng giữa màn đêm tối.
Đi giữa những ruộng hoa ngoại thành, mà bây giờ đã lên phường cả chục năm rồi, ban ngày, bạn sẽ nhận các màu vàng, tím, đỏ, xanh, trắng của trăm hoa. Nhưng tối trời, bạn sẽ chỉ thấy toàn những đèn, bừng lên một cảm giác vừa lạ thường, hơi có chút mê man, mộng mị, vừa sang trọng và mang nét gì văn minh giữa vùng đồng đất.
Lạ thế, chầm chậm lại chút để được nhận hưởng thêm một rung động đời sống mà thông thường cứ mải miết việc xuống công lên, ta không cảm, không thấy được. Như chạy xe uốn theo đê Xuân Quan bên đất Văn Giang, Hưng Yên, cứ mải nghĩ về những lô đất giá lên giá xuống chóng mặt mà không nhận ra đã có những con đường nhỏ dẫn thoải xuống đồng bãi, đi hút vào vùng xanh vườn tược.
Theo đó, đi ra tít tận mép nước, ta “phát hiện” ra một bến phà: Cảng Hồng Vân! Lên phà qua sông Hồng sang bên kia là đất Thường Tín, Hà Nội, ta lại có thể rong ruổi những con đường gần sông mà đi trong không gian lớn của đôi bên khi thấp thoáng xa những vùng nước rộng lớn, khi lúp xúp các vạt vườn tốt mỡ màng nhờ phù sa bồi ngấm. Một cảm giác thanh thoát và gần như là sạch sẽ so với lúc ta lẫn vào bụi bặm trên những đoạn quốc lộ ngột ngạt.
Vậy nếu trở lại trong nội thành ta có ngại không khi lại trở về với chen chúc, ô nhiễm và luôn dấy lên một trạng thái của bận rộn, của áp lực. Nếu cứ sợ thế chẳng hóa ra trong này là chỗ cho người ta đề phòng, cảnh giác sao! Thử để ý mà xem, lắng lại một chút, ta sẽ thấy nhiều cái long lanh đáng để thấm đượm và ngẫm ngợi lắm! Vừa ùn xe cả đoạn dài ở Khâm Thiên, ta theo phố nhỏ cũng đã chật chội Nguyễn Thượng Hiền đi thẳng đến cổng chùa Quan Hoa.
Có gì mà không thể đi vào đây một lát chứ, để không gian dù nhỏ hẹp nhưng thưa vắng chợt ùa đến, và mở ra một vạt hồ nho nhỏ, nước bập bềnh bình yên. Tiếng xe chạy như máy khoan từ các phía đường vòng quanh hồ Thiền Quang vọng lại nơi đây như đã qua một lớp lọc của không trung, trở nên nhè nhẹ, lanh lảnh.
Rồi đây nữa, nếu tối cuối tuần trên phố đi bộ hồ Gươm, cảm thấy như không còn góc nào trốn được nữa vì ở đâu cũng thấy người, bạn hãy bước đến… công viên thư viện quận Hoàn Kiếm gần cuối phố Nhà Chung. Từ mép hè ngoài này cứ mạnh dạn mà bước vào gần, gần nữa tòa nhà cổ từ thời Pháp với đường lên rộng theo lan can to khỏe uốn lượn, những ô cửa kính im lìm như nhìn bạn, bạn sẽ tưởng mình lạc vào một vùng viễn ảo có chút huyền hoặc với quanh mình đã là một vùng cây uốn lượn lạ kỳ.
Ngồi trên chiếc ghế gỗ khung sắt uốn hoa giữa vùng sáng nhạt vàng mà nghĩ về thành phố nơi mình sống, những con đường, những ngả rẽ, những góc phố đâu đó có người vừa mở cánh cửa chờ đợi một điều gì, một tiếng gọi, một cái vẫy tay.
Đấy, bạn cứ đi đi, nhưng nhớ rằng trong vội vàng, hãy dành cho mình ít giờ phút mà tìm đến, rẽ vào, nghe những góc thành phố ngân vọng điều gì lung linh, tĩnh lặng, soi chiếu.
Một vạt đảo cây giữa khu Nhà hát lớn và Bảo tàng lịch sử quốc gia, con đường gió hút vào đêm qua nhà thờ Hàm Long, cổng thành Cửa Bắc, con phố Hoàng Diệu cây lá lúp xúp và uy nghi, đơn giản nữa thì chỉ một vạt hè dưới chân tường đá nhìn cả phố Hàng Cót, phố Cửa Đông và những khung sắt đường tàu trên đầu trong nền xanh những tán xà cừ to lớn… Thỉnh thoảng, bạn hãy dừng lại, chững lại một chút, để thấy ngày thường lung linh nhiều hơn.
NGUYỄN QUANG HƯNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ha-noi-lung-linh-ngay-thuong-post760104.html