Lo giá hàng hóa “nhảy múa”
Theo chị Nguyễn Thị Thu (sinh sống ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), thời điểm cận dịp Tết Nguyên đán, nhiều người tiêu dùng như chị lo ngại việc giá cả hàng hóa tăng cao, cùng một sản phẩm nhưng mỗi nơi có một giá khác nhau.
“Lợi dụng những ngày giáp Tết, không ít tiểu thương, hộ kinh doanh đã nâng giá mặt hàng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Giá cả các mặt hàng cuối năm thường nhích dần lên, gia đình tôi có 4 người, nếu như trước đây, mỗi ngày đi chợ tôi chỉ chi tiêu khoảng 160.000 đồng, thì nay phải tăng thêm 30.000 – 40.000 đồng mới đủ mua thức ăn trong ngày. Dịp cận Tết, tôi mong giá cả hàng hóa sẽ được bình ổn, nhất là những mặt hàng thiết yếu, để người tiêu dùng an tâm mua sắm” – chị Thu nói.
Việc giá hàng hóa tăng cao không chỉ tác động đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các tiểu thương, hộ kinh doanh tại Hà Nội.
Bà Trần Thị Liên (tiểu thương buôn bán ở chợ Khương Trung, quận Thanh Xuân) chia sẻ, vì lo ngại mức giá hàng hóa tăng cao nên cuối tháng 12.2023, bà đã phải bỏ một số vốn khoảng 30-40 triệu đồng để nhập trước các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gia vị, đồ khô… nhằm hạn chế việc biến động giá cả.
Ông Khúc Tiến Hà – Giám đốc vận hành WinMart Miền Bắc – thông tin, nhằm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024, đơn vị cũng đã xây dựng các chương trình về giá, đảm bảo luôn có những chương trình khuyến mãi, giảm giá trên 50% cho người tiêu dùng. Hiện đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp về nguồn hàng để xây dựng chiến lược về sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu, sản phẩm mùa vụ dịp Tết.
Nỗ lực bình ổn giá cả hàng hóa dịp cận Tết
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn thành phố ước đạt khoảng 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp Tết, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất có kế hoạch đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – nhận định, thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao, vấn đề cung cầu, giá bán và chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng được Sở Công Thương đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết năm 2024, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024 (thời gian thực hiện đến hết tháng 6.2024).
Đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động được 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán.
Các doanh nghiệp này cũng đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tăng trung bình từ 7-25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023. Cùng với đó, Sở tiếp tục chủ động theo dõi sát thông tin, tình hình thị trường, giá cả dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Kiểm soát các mặt hàng, không để tăng giá bất hợp lý
Kế hoạch số 09 của Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết 2024.