(Dân trí) – Hơn một ngày qua, làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chìm trong biển nước khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, việc sản xuất kinh doanh ngừng trệ.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong chiều 12/9, khu trung tâm xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội chìm trong biển nước. Nhiều điểm, nước lũ dâng cao gần 2m.
Xã Bát Tràng nằm sát sông Hồng, có hơn 8.000 người sinh sống. Do nước lũ sông Hồng dâng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Từ đường lớn tới ngõ hẹp của trung tâm xã Bát Tràng đều bị ngập, nhiều điểm nước dâng cao tới ngực.
Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bát Tràng cho biết nước lũ sông Hồng dâng cao và bắt đầu ảnh hưởng đến địa phương từ sáng 11/9. Đến 16h cùng ngày, chính quyền địa phương cắt điện khu vực bị ngập nước để đảm bảo an toàn.
Sáng 12/9, xã Bát Tràng nhiều điểm ngập sâu gần 2m, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, tất cả các xưởng sản xuất gốm dừng hoạt động. “Nhiều cửa hàng bán đồ gốm có những món đồ hàng trăm triệu đồng bị hư hỏng do nước lũ dâng quá nhanh. 22 năm qua xã Bát Tràng mới lại có lũ cao như vậy”, bà Hoài nói.
Phố Gốm – nơi nhộn nhịp bậc nhất xã Bát Tràng bị nước lũ nhấn chìm khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê, toàn huyện Gia Lâm có 15 xã ven đê chịu ảnh hưởng trực tiếp khi mực nước sông Đuống, sông Hồng dâng cao sau bão Yagi.
Nhiều gia đình đã tự chế bè mảng bằng các thùng xốp để thuận tiện cho việc di chuyển.
“Ngày trước, nhà nào trong xã Bát Tràng cũng có thuyền nhưng để lâu đều hư hỏng, mọi người không ai nghĩ lại bị ngập sâu như này. Trận lũ gần đây nhất đã hơn 20 năm, ngày đấy nhiều điểm ngập hơn 2m”, ông Lợi (61 tuổi, trú thôn 1 Giang Cao, xã Bát Tràng) kể.
Do nước lũ sông Hồng lên nhanh, nhiều gia đình buôn bán đồ sứ không kịp vận chuyển hàng hóa đến nơi an toàn đã bị thiệt hại nhiều hàng hóa, giá trị hàng trăm triệu đồng.
Xã Bát Tràng nổi tiếng với nghề làm gốm đã có hàng trăm năm lịch sử. Gốm được sản xuất tại Bát Tràng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, gốm Bát Tràng truyền thống vẫn giữ gìn bản sắc riêng của làng nghề. Hiện xã Bát Tràng là một trong những nơi sản xuất gốm nổi tiếng nhất cả nước.
Ông Nguyễn Khắc Tiếp (55 tuổi, trú xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) ngao ngán khi nước lũ dâng cao khiến nhà cửa, việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chiều 12/9, khi nước có dấu hiệu rút, ông Tiếp nhanh chóng dọn dẹp các đồ sứ đến nơi an toàn.
“Hơn 20 năm qua, tôi chưa gặp trận lũ nào to như vậy, nhiều nhà không kịp vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”, ông Tiếp nói.
Do bị cắt điện từ ngày 11/9 và chưa có lịch cấp trở lại nên chị Trần Thị Nhung (kinh doanh đồ gốm tại xã Bát Tràng) lội nước sâu hơn 1m để mua xăng chạy máy phát điện. “Ngập lụt khổ quá, xưởng sản xuất, cửa hàng bị đình trệ hết, con cái cũng không thể đi học”, chị Nhung than thở.
Chiều 12/9, lực lượng dân quân tự vệ xã Bát Tràng vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết như nước, mỳ tôm, sữa,… hỗ trợ cho các hộ bị cô lập.
Bị nước lũ cô lập nên gia đình anh Bùi Tuấn Việt (trú thôn 1 Giang Cao, xã Bát Tràng) phải di dời đến nơi an toàn.
“Nhà có trẻ nhỏ lại mất điện, ngập nước nên cả nhà 4 người phải đi trú tạm để đảm bảo an toàn, sức khỏe”, anh Việt chia sẻ.
Do nước ngập sâu hơn 1m nên bà Trương Thị Hợi (78 tuổi) cùng các cháu được người thân di dời đến nơi an toàn.
“Nhà tôi bị ngập sâu, mọi sinh hoạt đều bất tiện nên phải đến nhà con trú tạm mấy ngày. Mấy chục năm rồi xã Bát Tràng mới ngập như vậy”, bà Hợi kể.
Nước rút chậm, một số nhà thoát ngập nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa.
Anh Phan Duy Hải (43 tuổi, trú xã Bát Tràng) chia sẻ, từ sáng 11/9, chính quyền địa phương có thông báo liên tục về tình hình nước lũ sông Hồng dâng cao. Song nước lũ dâng quá nhanh nên gia đình không kịp trở tay khiến nhiều thiết bị điện tử, hàng hóa hư hỏng.
Chiều 12/9, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Trưởng ban tổ chức Huyện ủy Gia Lâm; ông Dương Viết Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cùng lãnh đạo UBND xã Bát Tràng đến Nhà văn hóa thôn 1 Giang Cao hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết cho người đang tạm trú tại đây.
Theo bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bát Tràng, sau khi có thông tin nước lũ sông Hồng dâng cao, địa phương đã di dời 13 người dân sinh sống trong các nhà cấp 4 đến nơi an toàn.
Hiện Nhà văn hóa thôn 1 Giang Cao (xã Bát Tràng) tiếp nhận khoảng 30 người trú tạm. UBND xã Bát Tràng đã xây dựng phương án cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo cuộc sống cho người dân trong thời gian tới nếu ngập úng kéo dài. Các thôn tiếp tục rà soát, vận động các hộ trong diện nguy cơ đến các vị trí an toàn.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-lang-gom-bat-trang-chim-trong-bien-nuoc-20240912203612123.htm