Theo đó, học sinh lớp 12, bao gồm cả học sinh THPT và giáo dục thường xuyên toàn TP, làm bài kiểm tra khảo sát tại 273 điểm trường.
Học sinh làm các bài kiểm tra tương tự các bài thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức năm nay bao gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong đó, bài thi ngữ văn theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Đề thi do Sở GD-ĐT Hà Nội xây dựng theo ma trận, cấu trúc đề thi tham khảo của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được Bộ GD-ĐT công bố.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, mục đích chính của đợt kiểm tra này nhằm đánh giá chất lượng và có sự so sánh tương quan giữa các trường, giữa các quận huyện. Kết quả khảo sát sẽ được phân tích để điều chỉnh các giải pháp kịp thời nhằm chấn chỉnh với các đơn vị có kết quả cần báo động.
Với mỗi trường THPT trên địa bàn Hà Nội, đợt khảo sát cũng có ý nghĩa giúp các trường phân loại học sinh theo các nhóm về trình độ để có biện pháp cụ thể hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh chưa đạt yêu cầu của chương trình, có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp THPT.
Tuy chỉ là đợt khảo sát nhưng học sinh được trộn giữa các lớp trong một trường, sắp xếp theo số lượng như khi thi tốt nghiệp THPT. Các điểm thi cũng được bố trí lực lượng giám thị, giám sát như khi thi tốt nghiệp.
Có trên 12.000 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, giám sát tại 4.850 phòng thi. Việc chấm thi cũng được triển khai theo quy trình chấm thi tốt nghiệp được quy định tại quy chế thi để đảm bảo có kết quả khách quan. Đây cũng được xem là một lần tập dượt để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Kết quả bài kiểm tra khảo sát không sử dụng tính điểm học kỳ, ghi học bạ.
Trước đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội có chỉ đạo với các nhà trường áp dụng các biện pháp khắc phục khó khăn nhằm cải thiện kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Năm 2022, Hà Nội là địa phương xếp thứ 27/63 về kết quả thi tốt nghiệp. Năm 2023 nhích lên thứ 16 (nếu tính cả số thí sinh tự do thì xếp thứ 17).