(Tổ Quốc) – Hà Nội có nhiều làng nghề ẩm thực truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước, trong đó có những làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, các làng nghề hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Đó là nội dung được thảo luận tại tọa đàm “Phát triển chất lượng nguồn nhân lực bảo tồn phát huy, giữ gìn làng nghề truyền thống” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức diễn ra chiều 30/11 trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024.
Giữ gìn văn hóa ẩm thực truyền thống
Các chuyên gia nhận định, làng nghề ẩm thực truyền thống không chỉ là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, mà còn có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Tuy nhiên, không ít làng nghề đang đối mặt với những thách thức làm ảnh hưởng đến sự phát triển như thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao; áp lực cạnh tranh từ thị trường ẩm thực hiện đại.
Trong bối cảnh đó, việc “Phở Hà Nội” được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được xem là bước ngoặt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Thủ đô. Đồng thời mở ra cánh cửa để ẩm thực Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục tỏa sáng trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Nói về câu chuyện “Phở Hà Nội”, nhà báo Vũ Tuyết Nhung, Phó Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ Việt Nam cho rằng, không phải riêng Hà Nội mới có phở, nhưng ăn phở Hà Nội mới thấy rõ hết vị ngon. Việc “Phở Hà Nội” được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thực sự là niềm tự hào của người dân Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ký ức về phở Hà Nội từ những ngày còn bé vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của nghệ sỹ Minh Vượng: “Hồi nhỏ, phải ốm mới được ăn phở. Ngày đó chỉ là những quán phở gánh nhỏ nhưng mùi thơm ngào ngạt bay khắp cả con phố. Người Hà Nội ăn phở không biết chán, sáng ăn phở, trưa ăn phở và tối cũng có thể ăn phở…”.
Theo nghệ sỹ Minh Vượng, ngày xưa người Hà Nội ăn phở khác bây giờ. Chẳng hạn, phở gà người ta thường ăn với chanh và không có ai ăn quất thay giấm như hiện nay. Nhưng xã hội phát triển, ẩm thực cũng vì thế có sự thay đổi đi ít nhiều.
Ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam chia sẻ, sáng tạo trong ẩm thực vẫn phải giữ được nét truyền thống, ẩm thực là phản ánh xã hội, phản ánh kinh tế, phản ánh công nghệ, phản ánh thái độ sống. Người lớn tuổi chọn cửa hàng phở quen, người trẻ tuổi lại tìm cái mới mẻ, tạo xu hướng… Ông Quân khẳng định những gì thuộc về lịch sử, văn hóa thì phải gìn giữ, song, vẫn cần sự phát triển phù hợp đảm bảo sự văn minh trong ăn uống, thưởng thức.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa ẩm thực
Việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành. Trong đó có vấn đề nhân lực.
Các chuyên gia nhấn mạnh, để có nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm bảo tồn, phát huy, gìn giữ làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề ẩm thực truyền thống cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Ngoài vai trò của những nghệ nhân, đầu bếp trong lưu giữ, trao truyền thì các yếu tố cần chú trọng là đào tạo; gìn giữ làng nghề truyền thống để truyền dạy…
“Để có nguồn nhân lực chất lượng cao bảo tồn phát huy, gìn giữ làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề ẩm thực truyền thống cần nhiều sự nỗ lực. Ngoài vai trò của những nghệ nhân, những đầu bếp trong lưu giữ, trao truyền, cần chú trọng vào đào tạo; gìn giữ làng nghề truyền thống để truyền dạy là một trong những yếu tố quan trọng”, ông Nguyễn Thường Quân nhấn mạnh.
MasterChef Việt Nam Phạm Tuấn Hải chia sẻ: “Món ăn Hà Nội thể hiện được hồn cốt của người Thủ đô. Phải đặt văn hóa vào món ăn để tạo nên sự tinh tế”.
“Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có nguồn lực mạnh. Đối với ngành ẩm thực thì việc đào tạo này cần có những phương pháp dạy đặc biệt. Đó là phương pháp có ngay từ trong gia đình; từ mâm cơm hàng ngày. Món ăn cần có sự truyền dạy từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Có nền móng tốt, việc đào tạo ở trường lớp mới có thể phát huy và tạo ra những đầu bếp giỏi. Trong trường lớp cần phải đào tạo bài bản từ món ăn truyền thống để người học có cái gốc, từ đó mới phát triển ra cái hiện đại, cái sáng tạo”- MasterChef Việt Nam Phạm Tuấn Hải cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ, khi nắm được truyền thống thì nắm được văn hóa. Ẩm thực là một phần của văn hóa. Việc gìn giữ, phát huy nguồn nhân lực trong nghệ thuật truyền thống là bài toán “khó” cũng giống như phát huy nhân lực cho làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề ẩm thực truyền thống.
Để phát huy các làng nghề ẩm thực truyền thống, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, ẩm thực là văn hóa, vì thế các làng nghề cần giữ gìn truyền thống, lịch sử làm nghề nhiều đời, khơi gợi cảm hứng cho thế hệ trẻ, tổ chức trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.
Bên cạnh đó, để có thể tồn tại trong cơ chế thị trường và đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, các làng nghề ẩm thực truyền thống cần phải nâng cấp chất lượng dịch vụ, sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến, đóng gói, xây dựng nhận diện thương hiệu tốt. Và đặc biệt, các làng nghề cần chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông số, mạng xã hội, đưa làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trải nghiệm, tham quan và thưởng thức./.
Nguồn: https://toquoc.vn/ha-noi-khai-thac-am-thuc-trong-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-20241201122200915.htm