Chiều nay, 11/7, Đoàn công tác liên ngành Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng làm Trưởng Đoàn đã khảo sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì tiếp Đoàn.
Quyết tâm chính trị cao, lộ trình thực hiện rõ ràng
Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh thông tin tóm tắt Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại TP Hà Nội. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng ĐVHC cấp huyện có 30 đơn vị, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã; số lượng ĐVHC cấp xã có 518 đơn vị, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn. Số lượng ĐVHC cấp huyện giảm do sắp xếp là 0 đơn vị và số lượng ĐVHC cấp xã là 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường, 0 thị trấn.
Việc sắp xếp ĐVHC các cấp trên địa bàn TP nhằm cụ thể hóa chủ trương tiếp tục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã nhằm giảm số lượng ĐVHC, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của UBTV Quốc hội về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Việc sắp xếp ĐVHC các cấp thuộc TP Hà Nội đã bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tiễn tại địa phương, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả của chính quyền cơ sở, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Đồng thời, sắp xếp ĐVHC cấp xã tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, khoáng sản để phát triển; tránh đầu tư xây dựng dàn trải trong khi nhu cầu sử dụng còn hạn chế.
Đặc biệt, việc sắp xếp tinh giản bộ máy, biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức và quyền lợi của cán bộ, công chức… Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Đề án, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; phải xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà khẳng định, sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 được TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng với khối lượng công việc rất lớn, nên Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các hội nghị quán triệt, làm việc với các địa phương cùng nhiều công việc khác… Từ đó, đã hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Nội vụ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP.
Nhấn mạnh các ý kiến của Đoàn công tác rất cụ thể, rõ ràng, góp ý cho Hà Nội hoàn thiện các bước để thực hiện tiếp theo sẽ thuận lợi hơn, Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho hay, TP cơ bản tiếp thu đầy đủ các ý kiến, sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện, triển khai. Đồng thời, đề nghị cơ quan thường trực Đề án là Sở Nội vụ sớm rà soát, thống nhất lại về mặt số liệu trong hồ sơ, tờ trình; làm rõ lý do có sự điều chỉnh giữa phương án trình ban đầu và phương án sau này…
“Trên cơ sở các ý kiến của Đoàn, UBND TP sẽ giao các bộ phận triển khai; mong các bộ, ngành hỗ trợ giúp đỡ các nội dung giúp TP Hà Nội sớm được thông qua Đề án, để triển khai thực hiện”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nêu rõ.
Cần thông suốt tư tưởng từ người đứng đầu
Lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo TP Hà Nội và một số cơ quan, đơn vị liên quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội trong việc xây dựng Đề án này, với số lượng ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp rất lớn, lại có đặc thù từ truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất kinh kỳ. Trong bối cảnh việc sắp xếp ĐVHC lần này của TP nằm trong chủ trương chung của Đảng, Nhà nước nhằm giảm bớt đầu mối ĐVHC, tăng quy mô, Hà Nội thời gian qua có nhiều khó khăn và đặc thù, nhưng đã chủ động triển khai sớm, bám sát hướng dẫn, theo dõi sát sao việc xây dựng và hoàn thiện Đề án, với tỷ lệ đồng tình cao của cử tri ở các địa phương thuộc diện sắp xếp.
Từ đó, bà Nguyễn Phương Thủy đề nghị TP nên có những thuyết minh cụ thể về Đề án, để khi báo cáo lên UBTV Quốc hội thì có cơ sở giải trình mang tính thuyết phục cao. Trong đó, việc giải trình có thể theo hướng các quy hoạch của Hà Nội vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ là cơ sở cho việc hình thành, phát triển các đơn vị mới, nên trong giai đoạn tiếp theo, việc sắp xếp ĐVHC của TP sẽ quyết liệt hơn nữa; sắp xếp phân ra thành từng giai đoạn, trong đó 2023-2025 đạt được số lượng ĐVHC giảm được như trong Đề án đã là một thành công lớn…
Kết luận buổi khảo sát, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ghi nhận sự nỗ lực của TP Hà Nội khi xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, đề nghị TP quan tâm vấn đề sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, sắp xếp các đơn vị trực thuộc ĐVHC, giải quyết cán bộ dôi dư, trong đó quán triệt tuyên truyền để thông suốt tư tưởng từ người đứng đầu; quan tâm giải quyết giấy tờ thủ tục cho người dân trên địa bàn khi sắp xếp các ĐVHC…
“Cần gắn việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn này với sắp xếp giai đoạn 2026-2020, gắn với quy hoạch phát triển Thủ đô. UBND TP, Sở Nội vụ Hà Nội chủ động phối hợp Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), khớp nối từng nội dung, để cụ thể các số liệu một cách chính xác, logic, rõ ràng và đầy đủ, nhanh nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định, nhằm có một Đề án hoàn chỉnh trình Trung ương nhận được sự đồng thuận cao, có thể thực hiện tốt, tạo diện mạo mới cho Thủ đô phát triển”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-hoan-thien-de-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-nhanh-dung-quy-dinh.html