Xác định chuyển đổi số sẽ gắn liền với phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh tập huấn, ứng dụng chuyển đổi số cho phụ nữ trên địa bàn.
Là Thủ đô của cả nước, tỷ lệ phụ nữ có trình độ dân trí ở mức cao hơn so với mặt bằng chung cả nước, các kết quả thực hiện bình đẳng giới nhiều năm qua có nhiều thành tựu, Hà Nội cũng xác định xu hướng chuyển đổi số trong mọi mặt kinh tế – xã hội là tất yếu và việc đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong xu hướng chung này vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức.
Tại Việt Nam, theo điều tra mức sống dân cư năm 2021, tỷ lệ người dân được tiếp cận internet và điện thoại khá cao, song vẫn còn một khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng internet là 70% so với nam giới là 78%; tỷ lệ phụ nữ sử dụng điện thoại là 87% so với nam giới là 93%.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ này cao hơn so với thế giới (25%) song vẫn có sự chênh lệch giới rõ ràng trong lĩnh vực nghề nghiệp này. Thêm nữa, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.
Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số sẽ gắn liền với phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Những thành tựu của chuyển đổi số và đổi mới công nghệ sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, giúp họ mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, tri thức của nhân loại, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Chính vì thế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã cùng các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình thiết thực, ý nghĩa cung cấp kiến thức, kỹ năng cho chị em phụ nữ về chuyển đổi số.
Trong năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn Luật Hợp tác xã (Sửa đổi) và đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tập huấn “Ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao”. Với các báo cáo viên uy tín và giàu kinh nghiệm, gần 150 học viên tham gia tập huấn là cán bộ Hội các quận, huyện và doanh nghiệp do nữ làm chủ trên địa bàn Hà Nội đã được trang bị nhiều kiến thức về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng tích cực tổ chức các chương trình nâng cao kiến thức cho hội viên phụ nữ tham gia ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh.
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức Hội nghị truyền thông nâng cao năng lực cho chủ hộ kinh doanh về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận. Hội nghị nhận được sự tham gia đông đảo của các chủ hộ kinh doanh, trong đó có nhiều hội viên phụ nữ. Nhiều hội viên tham gia đã được trang bị và nâng cao kiến thức về công nghệ số, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, các bước chuyển đổi số, các lĩnh vực chuyển đổi số, các ứng dụng chủ yếu trong chuyển đổi số…
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị tập huấn “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh” cho gần 200 cán bộ hội viên phụ nữ, nữ chủ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã…trên địa bàn huyện.
Việc trang bị cho phụ nữ các kiến thức và kỹ năng số cơ bản được coi là một trong những giải pháp giúp mở rộng kinh doanh, kết nối, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng trong thời đại kinh tế số.
Các chương trình tập huấn nằm trong hoạt động thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội; thúc đẩy tinh thần mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo của cán bộ, hội viên, phụ nữ, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số.
Hải Anh