Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ngày 23.9, toàn thành phố có 20 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp do còn nằm trong vùng ngập lụt sau hoàn lưu của cơn bão Yagi.
Đến ngày thứ sáu 20.9, số trường học trên địa bàn thành phố vẫn phải đóng cửa là 21. Như vậy, so với cuối tuần trước, đã thêm được 1 trường học đủ điều kiện đón học sinh trở lại.
Trong tổng số 20 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp, có 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở. Đáng chú ý, cả 6 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp đều thuộc H.Chương Mỹ.
Cụ thể, ở cấp tiểu học là các trường: Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương, Xuân Mai B, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên; ở cấp trung học cơ sở là các trường: Nam Phương Tiến A, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên.
Người Hà Nội chèo thuyền đưa con cháu đi học ngày lũ sông Bùi dâng cao
Trong 8 trường mầm non chưa thể đón trẻ đến trường có 4 trường thuộc H.Chương Mỹ, 2 trường ở H.Mỹ Đức, 1 trường ở H.Ba Vì và 1 trường ở TX.Sơn Tây.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã giao quyền chủ động cho các trường. Căn cứ tình hình cụ thể, các trường đã triển khai phương án ứng phó linh hoạt, trong đó có giải pháp dạy học trực tuyến cho học sinh.
Đối với những trường chịu nhiều thiệt hại, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến hoặc gia đình ở vùng ngập, bị mất điện, nhà trường tạm thời cho học sinh dừng học hoặc hướng dẫn học tại nhà bằng các hình thức phù hợp. Một số trường tổ chức giảng dạy trực tuyến cho học sinh có đủ điều kiện học tập, sẵn sàng kế hoạch dạy bù cho học sinh khi trở lại trường.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các sở GD-ĐT về việc tổ chức dạy học đối với các trường thiệt hại do bão lũ. Để bảo đảm duy trì việc học cho tất cả học sinh và hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch, các sở GD-ĐT cần chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học nhưng không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.
Bộ GD-ĐT lưu ý các địa phương rà soát, có phương án phù hợp để đưa học sinh ở các trường, điểm trường chưa hoạt động trở lại về điểm trường chính hoặc các trường khác trong khu vực để học tập; đối với những học sinh phải di chuyển quá xa nhà thì có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ học sinh được học bán trú, nội trú trong thời gian khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ.
Bộ GD-ĐT gợi ý các giải pháp như: “Huy động giáo viên ở các trường trên địa bàn hỗ trợ giáo viên và học sinh các trường bị thiệt hại do bão lũ để tổ chức dạy học; dạy bù cho các đối tượng học sinh phải nghỉ học. Đối với những học sinh do điều kiện khó khăn chưa thể đến trường, nhà trường có phương án phù hợp với điều kiện thực tế để duy trì việc học cho học sinh như giao bài, cử giáo viên trực tiếp hỗ trợ theo từng học sinh hoặc nhóm học sinh tại nơi cư trú, bảo đảm an toàn, hiệu quả”.
Trong quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 – 2025, Bộ GD-ĐT quy định chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có quyền quyết định thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày, theo khung thời gian của bộ, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ha-noi-con-20-truong-van-chua-the-don-hoc-sinh-tro-lai-185240923161734709.htm