Hà Nội được quyết định chủ trương dự án đầu tư công số vốn đến 20.000 tỷ, lập cơ quan chuyên trách, tăng đại biểu HĐND TP là những chính sách lớn trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư
Tại Điều 43 dự thảo, Chính phủ đề xuất HĐND TP Hà Nội được quyết định chủ trương dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; dự án sử dụng ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài; dự án đầu tư công liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô.
Theo Luật Đầu tư công hiện nay, những dự án quan trọng quốc gia (số vốn từ 10.000 tỷ đồng) thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc thẩm quyền Thủ tướng.
Ngoài ra, dự thảo cũng phân quyền cho UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng theo Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao như dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Phát biểu tại phiên họp tổ về dự thảo luật chiều 10/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng việc phân cấp mạnh mẽ về thẩm quyền đầu tư giúp Thủ đô tháo gỡ nhiều rào cản trong những dự án trọng điểm, tác động lớn và dự án đường sắt đô thị. Thành phố có thể tự giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết, tránh phải xin ý kiến Chính phủ hoặc chờ Quốc hội họp để quyết định.
Tăng thêm 30 đại biểu HĐND TP Hà Nội
Chính phủ đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 lên 125, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách từ 20% lên 25% nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, số lượng người cư trú thường xuyên và làm việc tại Hà Nội trên 10 triệu, 95 đại biểu HĐND TP như hiện nay, bình quân 105.000 người dân có một đại biểu, thấp hơn bình quân chung cả nước. Nếu không đủ số lượng đại biểu HĐND thì không bảo đảm được tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô.
HĐND TP dự kiến sẽ có thêm hơn 110 nhiệm vụ, quyền hạn có yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn trong Luật Thủ đô. Do đó, yêu cầu đặt ra là tổ chức, cơ cấu bộ máy của HĐND TP phải đủ mạnh để nâng cao chất lượng hoạt động, giám sát.
Cùng với đó, dự thảo cũng cho phép tăng một phó chủ tịch HĐND (hiện hành là 2), mở rộng thành phần của Thường trực HĐND so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm nguồn nhân lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tư pháp, với việc không tổ chức HĐND cấp phường nhiệm kỳ 2026-2031, số đại biểu HĐND các cấp của Hà Nội sẽ ít hơn so với quy định khoảng 7.000. “Như vậy việc tăng thêm 30 đại biểu HĐND TP như dự kiến không làm phát sinh thêm ngân sách của thành phố”, Bộ Tư pháp nêu.
Khung pháp lý cho hai thành phố trực thuộc
Ngoài 20 đô thị được xác định tại Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội sẽ hình thành thêm 2 thành phố trực thuộc tại khu vực phía Bắc – thành phố logistic, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây – thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Về cơ cấu tổ chức, dự thảo cũng cho phép xây dựng HĐND, UBND TP thuộc Hà Nội và được áp dụng một số đặc thù vượt trội so với cơ cấu tổ chức của quận, huyện, thị xã. Số lượng phó chủ tịch HĐND tăng từ một lên hai, phó chủ tịch UBND từ ba lên bốn và đại biểu HĐND chuyên trách từ sáu lên chín.
Để thực hiện quy hoạch trên, Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho rằng, Hà Nội phải có giải pháp, nguồn lực tài chính phát triển hệ thống vận tải hành khách đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT) và xe buýt thường.
Do vậy, dự thảo luật cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án TOD (phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng) phù hợp điều kiện về ngân sách, diện tích đất có thể đấu giá để thực hiện tái thiết, xây dựng đô thị mới; sử dụng ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Các cơ chế huy động nguồn lực để phát triển đường sắt đô thị bao gồm đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD. Tiền thu được phục vụ đầu tư đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.
Hà Nội được thành lập thêm cơ quan chuyên môn trực thuộc
Dự thảo quy định phân quyền cho UBND TP Hà Nội điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND quận, huyện, thị xã; quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Cơ chế này tương ứng việc Ban Quản lý an toàn thực phẩm – một mô hình riêng của TP HCM có thể được nâng lên thành Sở để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đây cũng là một nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Mô hình này sẽ khắc phục hạn chế về công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm mà hiện theo pháp luật hiện hành được quản lý bởi 3 cơ quan y tế, nông nghiệp, công thương, vốn gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.