Do đó, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đề nghị, UBND thành phố khẩn trương hoàn thiện Đề án, gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, theo quy định.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố. Đồng thời, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng phương án sắp xếp đảm bảo khoa học, linh hoạt, đúng quy định, phù hợp thực tiễn từng địa phương; sắp xếp tổ chức, bộ máy, đặc biệt quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở…
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội lưu ý, đối với việc sắp xếp các trụ sở, tài sản công phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định, hiệu quả và tránh lãng phí. Đồng thời rà soát, xây dựng lộ trình, kế hoạch, tạo điều kiện tốt nhất trong giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ của nhân dân; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.
Đại biểu Đinh Trường Thọ (quận Đống Đa) bày tỏ thống nhất với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Việc sắp xếp được thực hiện các bước bài bản, tập trung, khoa học, quyết liệt và chặt chẽ. Do đó, đại biểu đề nghị, các địa phương quan tâm công tác tuyên truyền đến cán bộ, người dân địa phương sắp xếp, bảo đảm sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Các sở, ngành có hướng dẫn, quy định cụ thể để có cơ chế thông thoáng, thuận lợi nhất thực hiện chủ trương này, nhất là chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư.
Trước đó, theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội, trên cơ sở rà soát các quy định tại Nghị quyết số 1211 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết 27 ngày 21/9/2022, thành phố Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 173 đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, quy mô dân số, do đó cần xây dựng Đề án tiếp tục thực hiện đảm bảo các quy định của luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết, tạo điều kiện tập trung được nguồn lực đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Ngoài ra, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển; nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo theo tinh thần, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Cũng theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội, số đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp là 518 đơn vị, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn. Số đơn vị hành chính cấp xã giảm sau khi sắp xếp là 61 đơn vị, gồm 46 xã, 5 phường. Số đơn vị hành chính sau khi sắp xếp có sự chênh lệch so với Phương án số 01/PA-UBND ngày 15/11/2023 của UBND thành phố là do theo Phương án số 01/PA-UBND tính cả 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì với số đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm từ 579 đơn vị xuống còn 509 đơn vị, giảm 70 đơn vị. Tuy nhiên, 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này vì sẽ thực hiện trong Đề án xây dựng huyện lên quận trong thời gian tới. Do vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị, giảm 61 đơn vị.
Nguồn: https://daidoanket.vn/ha-noi-co-so-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-duoc-sap-xep-lon-nhat-ca-nuoc-10279934.html