Tin mới y tế ngày 6/8: Hà Nội có ca tử vong đầu tiên do liên cầu khuẩn
Theo Sở Y tế Hà Nội, trường hợp tử vong đầu tiên do liên cầu khuẩn năm nay là bệnh nhân nữ 86 tuổi, ở huyện Quốc Oai.
Tử vong do liên cầu khuẩn
Bà được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, lơ mơ… Tại đây, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú và xét nghiệm cấy máu, dịch não tủy.
Chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng thịt lợn chưa qua chế biến. |
Kết quả, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn. Dù được điều trị tích cực nhưng do tuổi cao, bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi.
Đây là ca tử vong đầu tiên của thành phố do nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm nay. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có một người tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, những người có nguy cơ cao mắc liên cầu khuẩn là những người tham gia giết mổ lợn, chế biến thịt heo ốm, chết; người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung; những người ăn tiết canh và các sản phẩm từ heo không được chế biến kỹ.
Với căn bệnh này, thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ cho đến 2-3 ngày, tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần.
Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể bị nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.
Bệnh cảnh phổ biến nhất của nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn là viêm màng não. Biểu hiện của viêm màng não phổ biến như sau: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, gáy cứng, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng ở vành tai, mũi, mặt, thân mình… Khám có biểu hiện gáy cứng, chọc dịch não tủy có biến loạn: dịch đục, áp lực tăng, tăng bạch cầu và protein trong dịch não tủy….
Trường hợp nặng tiến triển nhanh chóng hội chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn (có thể kèm theo hoặc không kèm theo viêm màng não): trụy mạch, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê, tử vong nhanh chóng.
Nhiều trẻ mắc Covid-19, cha mẹ hiểu lầm là cúm
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Hải Dương, khoảng 1 tháng trở lại đây, số trẻ em mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị cao nhất kể từ đầu năm. Khoa Truyền nhiễm bệnh viện thường xuyên có từ 10-15 trẻ mắc Covid-19 điều trị nội trú.
Tất cả số trẻ mắc bệnh dưới 1 tuổi, chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhập viện trong tình trạng sốt cao từ 38-39 độ C trở lên, sổ mũi, ho, quấy khóc, biếng ăn.
Trước khi vào viện, phần lớn các bé đã được cha mẹ mua thuốc cho uống tại nhà nhưng không khỏi. Họ lầm tưởng con bị cúm A, cúm B… Chỉ đến khi vào viện làm xét nghiệm mới xác định mắc Covid-19.
Bệnh viện Nhi Hải Dương có khu vực cách ly để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Phần lớn trẻ nhỏ mắc bệnh đều được xuất viện sau vài ngày điều trị. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Hải Dương chưa ghi nhận một bệnh nhân nào mắc Covid-19 gặp biến chứng nặng.
Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Hữu Vinh khuyến cáo việc cha mẹ tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi chưa biết chính xác con mắc bệnh gì có thể gây ra những tác hại không nhỏ tới sức khoẻ.
Trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà không đúng phác đồ, kéo dài có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm liên quan đến hệ hô hấp. Khi con có những biểu hiện bất thường về sức khoẻ, cha mẹ cần đưa đến gặp bác sĩ để được khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Cha mẹ không nên cho con tiếp xúc với người lớn có biểu hiện bị ốm, hạn chế đi tới nơi đông người, bảo đảm bữa ăn hằng ngày cân bằng dinh dưỡng cho trẻ để tăng sức đề kháng…
Bước tiến lớn của ngành Di truyền học
Phát biểu tại sự kiện gần đây của Hội Di truyền học Việt Nam, PGS-TS.Kim Bảo Giang, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội cho biết, chuyên ngành di truyền y học đang ngày càng có nhiều đóng góp cho y học. Các hoạt động y sinh học-di truyền đang từng bước góp phần chẩn đoán bệnh, phòng bệnh và là cơ sở điều trị các bệnh lý di truyền.
Những năm gần đây, lĩnh vực di truyền học đã đạt được nhiều bước tiến mới với sự phát triển của các kỹ thuật di truyền, tạo ra nhiều thay đổi lớn trên các lĩnh vực.
Đặc biệt trong y học, việc ứng dụng những thành tựu của di truyền học đã mang đến nhiều đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam ngày càng tốt hơn. Di truyền y học tác động đến tất cả các lĩnh vực y học như: ung bướu, huyết học, tim mạch, hỗ trợ sinh sản.
Còn theo Chủ tịch hội Di truyền Y học Việt Nam, PGS-TS.Trần Đức Phấn, những tiến bộ về kỹ thuật di truyền đã tạo bước tiến lớn trong điều trị các bệnh quan trọng như ung thư. Trong đó có liệu pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp điều hòa miễn dịch và liệu pháp gene.
Các can thiệp di truyền ngày càng được ứng dụng nhiều, trong đó có cả ứng dụng trong điều trị các bệnh khó như ung thư.
Một số tiến bộ về di truyền trong ung thư hiện nay là gene trị liệu là oligonucleotide; Liệu pháp virus ly giải ung thư; Liệu pháp tế bào và mô; Vaccine phòng chống ung thư và các can thiệp di truyền trong ung thư, đặc biệt các phương pháp sử dụng CRISPR-Cas9.
Các can thiệp di truyền đã và đang từng bước hình thành. Đây sẽ là một hướng phát triển trong tương lai. Liệu pháp gene và liệu pháp phân tử nhắm mục tiêu cung cấp các kết quả lâm sàng và điều trị ung thư mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-68-ha-noi-co-ca-tu-vong-dau-tien-do-lien-cau-khuan-d221709.html