Sáng 28.4, giá USD tại các ngân hàng thương mại ghi nhận một tuần hạ nhiệt. Trong ngày cuối tuần, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với USD là 24.246 đồng, giảm 26 đồng so với đầu tuần. Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.458 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.033 đồng/USD.
Cụ thể, Vietcombank mua chuyển khoản là 25.118 và bán ra 25.473 đồng. So với cuối tuần trước, giá USD tại Vietcombank đã giảm 45 đồng ở chiều mua và giảm 15 đồng ở chiều bán ra. Tương tự, Eximbank trong tuần cũng giảm 30 đồng ở chiều mua, xuống còn 25.170 đồng và bán ra giảm 16 đồng, xuống 25.456 đồng…
Có thể thấy, sau khi đã liên tục tăng cao lập đỉnh lịch sử trong tuần trước, giá USD đã dần dần hạ nhiệt. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay tiền đồng đã mất giá khoảng 4,8% so với đầu năm. Dù vậy, mức mất giá này vẫn là tích cực so với nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc) 5,96%; Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ đều mất giá cao hơn nhiều…
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index đã dừng ở mức 105,95 điểm, tương đương như cuối tuần trước. Nhiều nhà phân tích cho rằng giá USD ít biến động trong tuần nhưng vẫn neo ở mức cao khi số liệu lạm phát của Mỹ tháng 3 vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mong muốn. Các nhà đầu tư vẫn lựa chọn đồng USD khi nhiều dự báo cho rằng Fed có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay đến tận tháng 9.
Trong khi đó, giá euro trong tuần tiếp tục đi lên. Giá euro thế giới hiện quy đổi được 1,0699 USD, tăng 0,55% so với giữa tuần. Tại Việt Nam, Vietcombank mua euro ở mức 26.475 đồng và bán ra 27.949 đồng, tăng 168 – 200 đồng so với cuối tuần trước. Trong khi lạm phát giá của Mỹ vẫn tăng cao thì lạm phát tính theo năm của 20 quốc gia sử dụng đồng euro đã giảm dần kể từ đầu năm, xuống 2,4% vào tháng 3 vừa qua. Do đó, các nhà đầu tư đang dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới…