Khi được hỏi liệu Hà Lan có gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine hay không, ông Rutte nói trong một cuộc họp báo rằng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, nhưng cho biết thêm: “Nếu bạn bắt đầu huấn luyện thì rõ ràng đó là điều bạn đang cân nhắc nghiêm túc”. Đầu tuần này, Hà Lan tuyên bố họ muốn bắt đầu đào tạo phi công Ukraine lái máy bay F-16 càng sớm càng tốt.
Ông Rutte cho biết bất kỳ quyết định nào về việc gửi F-16 đều phụ thuộc vào sự chấp thuận của Mỹ, nước chuyển giao loại máy bay tiêm kích này. Ông nói thêm rằng Hà Lan có khả năng sẽ gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine vì nước này hiện đang loại bỏ dần F-16.
Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Hà Lan, nước này hiện có 24 chiếc F-16 đang hoạt động và sẽ bị loại bỏ vào giữa năm 2024. 18 chiếc máy bay tiêm kích khác hiện đang được rao bán, trong đó 12 chiếc đã được bán tạm thời.
Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tán thành các chương trình đào tạo phi công Ukraine trên F-16 và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đảm bảo với ông Biden rằng những chiếc máy bay này sẽ không được sử dụng để đi vào lãnh thổ Nga.
Cũng vào thứ Sáu, quân đội Đức đã đặt hàng 18 xe tăng Leopard 2 mới để thay thế các xe đã được gửi tới Ukraine hồi đầu năm nay. Công ty quốc phòng hàng đầu Kraus-Maffei Wegmann cho biết hợp đồng mua xe tăng Leopard 2A8 đã được ký với văn phòng liên bang về thiết bị quân sự. Trước đó, Ủy ban ngân sách của Quốc hội Đức hôm thứ Tư đã phê duyệt khoản ngân sách khoảng 525 triệu euro.
Kraus-Maffei Wegmann cho biết việc giao xe tăng mới dự kiến bắt đầu vào năm 2025 và thỏa thuận này bao gồm các tùy chọn cho 105 xe tăng Leopard 2A8 khác. Công ty này cũng sẽ sản xuất 12 khẩu pháo tự hành mới cho quân đội Đức như một phần của thỏa thuận đã được thống nhất vào tháng 3.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức thúc đẩy mua xe tăng mới càng nhanh càng tốt sau khi nước này hồi cuối tháng 1 năm nay đã đồng ý cung cấp 14 xe tăng chiến đấu Leopard 2A6 cho Ukraine.
Vài tuần sau, con số đó đã tăng lên 18 khi Đức và các nước khác cùng nhau tập hợp hai tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 để gửi cho Kiev. Đức, Đan Mạch và Hà Lan cũng đã đồng ý cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard 1, một mẫu xe cũ mà quân đội Đức đã không sử dụng trong hai thập kỷ.
Bùi Huy (theo AP, Reuters, CNA)