Hà Giang có tiềm năng lớn nhưng gặp nhiều khó khăn về hạ tầng, dịch vụ để khuyến khích du khách chi nhiều hơn trong khi vẫn giữ được môi trường và văn hóa bản địa.
Tính tới hết tháng 9, Hà Giang đón khoảng 2,1 triệu lượt khách, trong đó có gần 220.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Hà Giang đang trở thành điểm đến hàng đầu với giới backpacker (Tây balo). Nhiều du khách nước ngoài nói biết đến Hà Giang từ lời kể của người đi trước và những video về cung “Hà Giang loop” được chia sẻ trên mạng xã hội.
Hannes và Laura, cặp đôi người Đức, dành ba ngày ở Hà Giang hồi tháng 9, nói trải nghiệm thực tế vượt xa những gì đã xem trên mạng. Thời tiết đẹp, khung cảnh hùng vĩ của thung lũng, núi non và nhịp sống êm ả của người dân bản địa khiến cặp đôi có ấn tượng sâu sắc về vùng núi rừng đông bắc này.
Được đánh giá cao về phong cảnh nhưng ông Hoàng Xuân Đôn, Giám đốc Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC), nói Hà Giang còn tồn tại nhiều vấn đề như hạ tầng du lịch chưa được đầu tư, thiếu dịch vụ để khách tiêu tiền – du khách đến chủ yếu chỉ ngắm cảnh và dành số tiền khá nhỏ để mua đồ ăn vặt, quà lưu niệm.
“Do vùng rất rộng nên tài nguyên còn rất nhiều dư địa, đặc biệt là giá trị về địa chất còn chưa được khai thác đúng tầm. Nếu đủ nguồn lực và có phương án, giải pháp tốt, vùng có hàng nghìn điểm địa chất có thể biến thành điểm du lịch”, ông nói.
Theo ông Đôn, Hà Giang là tỉnh nghèo, cơ sở vật chất, hạ tầng còn thiếu thốn. Ngân sách chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ đời sống người dân, không có nhiều để phát triển du lịch.
Đại diện CVĐC nhận xét du lịch đang tác động tích cực đến đời sống người dân. Tuy nhiên, ông Đôn nhấn mạnh “khi đang đói cần có ăn trước đã”. Nếu đặt lên bàn cân giữa việc dùng ngân sách để làm điểm dừng chân cho khách du lịch hay hỗ trợ một bản vừa bị lũ quét, sạt lở, tỉnh sẽ chọn vế sau.
Từ năm 2018 tới nay, Hà Giang ghi nhận doanh thu du lịch tăng trưởng, lần lượt là 1.150 tỷ đồng (năm 2018), 2.000 tỷ đồng (năm 2019), 2.477 tỷ đồng (năm 2020), 1.633 tỷ đồng (năm 2021 – cao điểm dịch Covid-19), 4.536 tỷ đồng (năm 2022).
Theo tìm hiểu của VnExpress, tính trong năm 2022, doanh thu du lịch của Hà Giang đứng khoảng thứ 18 trên toàn quốc. Các tỉnh thành có doanh thu cao nhất năm 2022 là TP HCM (120.000 tỷ đồng), Hà Nội (60.000 tỷ đồng), Quảng Ninh (25.000 tỷ đồng). Địa phương có vị trí địa lý vùng núi, khá tương đồng với Hà Giang là Lào Cai đạt doanh thu 15.000 tỷ đồng.
Ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang, đánh giá doanh thu du lịch của Hà Giang ở mức trung bình khá trong các tỉnh thành làm du lịch.
“Hà Giang có doanh thu du lịch tương đối ổn, không kém nhưng quan trọng là tiền nộp vào ngân sách nhà nước chưa nhiều”, ông Tĩnh nói. Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang phân tích khách đến Hà Giang hiện chủ yếu là khách du lịch bụi (chiếm 70-80% tổng số). Nhóm khách này thường thuê xe máy đi tự túc và ở tại các homestay dọc cung đường “Hà Giang loop”, không ở các khu nghỉ dưỡng phân khúc cao.
Ông Tĩnh cho biết một đơn vị kinh doanh lưu trú kiểu khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ nộp thuế GTGT 8%. Còn các homestay, đơn vị cho thuê xe máy lại nộp thuế khoán dành cho hộ kinh doanh, mỗi tháng khoảng 1-2 triệu đồng một hộ. Một số hộ kinh doanh homestay không nộp thuế do Hà Giang đang khuyến khích người dân làm du lịch, bảo tồn bản sắc, văn hóa.
Trong khi đó, Hà Giang chỉ có khoảng 3-4 điểm du lịch thu phí, mỗi điểm thu 10.000-20.000 đồng một khách như cột cờ Lũng Cú, hang Lùng Khúy. Ông Tĩnh đánh giá số tiền này quá ít ỏi để “quay ngược đầu tư lại cho du lịch”. “Tiền để đầu tư cho hạ tầng du lịch làm gì có”, ông khẳng định.
Theo Báo Hà Giang, tính tới tháng 3/2022, Hà Giang có 7 huyện nghèo gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Bốn huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ đều là điểm du lịch hàng đầu của du khách, nằm trong cung Hà Giang loop.
Nhân lực làm du lịch ở Hà Giang cũng còn thiếu và yếu. Do nhân lực chất lượng cao hạn chế, việc tiếp thu, sáng tạo, đổi mới sản phẩm du lịch gặp khó khăn.
Theo ghi nhận của phóng viên, với một đoàn khách nước ngoài 15 người tham gia tour xe máy (trong trường hợp khách tự lái), chỉ có một người biết tiếng Anh để giao tiếp với cả đoàn.
“Lái xe không phải chỉ biết lái xe, họ còn phải biết giao tiếp để giới thiệu về Hà Giang cho khách du lịch”, ông Đôn nói.
Ông Tĩnh cho rằng với cộng đồng 19 dân tộc thiểu số như ở Hà Giang, học tiếng Việt đã khó chứ chưa nói đến tiếng Anh. Hàng năm, hiệp hội và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đều có kế hoạch bồi bổ, nâng cao khả năng ngoại ngữ cho người làm du lịch. Tuy nhiên, đây không phải việc có thể làm nhanh trong ngày một ngày hai.
Hôm 31/10, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt đề án thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn với mức 30.000 đồng mỗi người lớn, 15.000 đồng cho trẻ em, một số đối tượng được miễn trừ. CVĐC chiếm khoảng 65% lượng khách tới Hà Giang. Như vậy, đến năm 2024, ước tính doanh thu đạt được từ việc thu phí vào khoảng 48 tỷ đồng (tính trung bình khách ở 1,5 đêm).
Đơn vị quản lý thu phí là UBND các huyện, xã, phường, thị trấn vùng CVĐC còn đơn vị trực tiếp thu phí là các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn vùng CVĐC. 60% tiền thu được sẽ nộp ngân sách và được sử dụng cho một số mục đích như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; bảo tồn phát huy giá trị di sản trên CVĐC; dọn dẹp vệ sinh; xúc tiến quảng bá hình ảnh CVĐC.
Ông Tĩnh nhấn mạnh Hà số tiền thu phí nhỏ, tính trung bình chưa tới 100.000 đồng mỗi khách cho cả chuyến đi. Do đó, ông Tĩnh kỳ vọng du khách hỗ trợ Hà Giang để tỉnh có một khoản thu nhất định, nhằm hỗ trợ cộng đồng, phát triển du lịch, nâng cao hình ảnh điểm đến.
Một chuyên gia về du lịch Hà Giang nhận xét đây là câu chuyện “con gà – quả trứng”. Muốn có con gà để làm du lịch, Hà Giang cần tiền để ấp trứng thành gà – tức tiền để đầu tư cho du lịch.
Với một địa phương như Hà Giang, chuyên gia đánh giá rất khó để sử dụng tiền đầu tư cho bà con nghèo để làm du lịch. Nguồn lực tư nhân có nhưng đổi lại Hà Giang có thể bị “tư bản hóa cả vùng, biến những người dân thành người làm thuê trên chính vùng đất của mình”. Do đó, chuyên gia này cho rằng xã hội hóa du lịch vẫn là giải pháp tốt nhất.
Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết địa phương tiếp tục đẩy mạnh, quảng bá điểm đến thời gian tới. Hà Giang kỳ vọng thu hút thêm nhóm khách chi tiêu cao, muốn trải nghiệm chuyên sâu. Theo ông Tĩnh, du khách phải dành khoảng một tuần nếu muốn thực sự hiểu về văn hóa bản địa của Hà Giang.
Chưa có thống kê cụ thể về mức chi tiêu của du khách khi tới Hà Giang. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm làm du lịch, ông Tĩnh cho biết khách du lịch bụi chi khoảng một triệu đồng mỗi ngày (bao gồm tiền ăn, ở, thuê xe máy). Với lịch trình trung bình 2-3 đêm, nhóm này tiêu khoảng 3 triệu đồng mỗi chuyến đi.
Bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Top One Travel, nói với hành trình 3 ngày 2 đêm, một khách đi Sa Pa, Lào Cai, sẽ tiêu trung bình khoảng 3,5 triệu đồng mỗi chuyến đi với duy nhất một điểm tham quan là cáp treo Fansipan. Con số này có thể cao hơn bởi Sa Pa có nhiều điểm du lịch thu phí và đa dạng lựa chọn khách sạn phân khúc từ 3 đến 5 sao.
Tuy muốn thu hút khách chi tiêu cao, ông Tĩnh khẳng định Hà Giang sẽ luôn phát triển du lịch gắn với yếu tố bản địa, sẽ không xây dựng ồ ạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao.
“Hà Giang sẽ đi những bước chậm và chắc, gắn liền với văn hóa bản địa để khách đến đây còn không gian mà trải nghiệm”, ông nói.
Tú Nguyễn