Tham dự lễ kỷ niệm có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kon Tum, H.Đăk Hà cùng hàng ngàn người dân trên địa bàn huyện.
Năm 1994, H.Đăk Hà tách ra từ một phần của H.Đăk Tô và TP.Kon Tum. Toàn huyện có diện tích hơn 840 km2, 11 đơn vị hành chính và 74.000 người.
Theo UBND H.Đăk Hà, khi mới thành lập, huyện có xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên địa bàn; tỷ lệ hộ đói, nghèo chiếm 53,54% dân số. Thời điểm bấy giờ, tỷ lệ người mù chữ của huyện chiếm 27,6%. Khi mới thành lập, cơ sở vật chất ngành y tế của huyện thiếu thốn nghiêm trọng, có nhiều xã còn trắng về y tế.
Những năm đầu đầy gian khó, thu ngân sách của toàn huyện đạt 526 triệu đồng, thu nhập bình quân chỉ hơn 2 triệu đồng/người/năm. Địa hình đồi núi, lao động chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc phát triển kinh tế là bài toán khó giải.
Thế nhưng sau 30 năm kiến thiết, xây dựng, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, hưởng ứng của nhân dân, H.Đăk Hà đã trỗi dậy, đổi thay. Kinh tế của huyện tăng trưởng liên tục với tốc độ cao. Thu ngân sách trên địa bàn huyện đến năm 2022 tăng lên 424,305 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 49,62 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được quan tâm, với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã tương đối hoàn chỉnh. Các tuyến đường đã được bê tông hóa, đảm bảo thông suốt trong hai mùa mưa, nắng. Hệ thống điện lưới đảm bảo 100% hộ gia đình có điện phục vụ cho sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện ngày một phát triển.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc H.Đăk Hà đạt được trong chặng đường 30 năm qua, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của tỉnh.
Ông Lê Ngọc Tuấn cũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.Đăk Hà đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Chú trọng phát huy tinh thần “tự lực – tự chủ – tự quản” của người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tiếp tục quan tâm hơn nữa sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động. Tăng cường và tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.