BHG - Dòng họ Sùng, thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) là dòng họ tiên phong xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) gắn với bài trừ hủ tục. Bằng uy tín, sự đoàn kết và tinh thần đổi mới, dòng họ đã trở thành điểm sáng góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào Mông trên miền quê đá xám.
Dòng họ Sùng sinh sống tại xã Lũng Chinh từ xa xưa và đã trải qua 7 đời kế tiếp. Hiện nay, dòng họ có 63 hộ, với hơn 320 khẩu. Các hộ luôn chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, dòng họ có 17 đảng viên, nhiều người đạt trình độ học vấn cao, tham gia công tác xã hội và được cấp ủy, chính quyền tin tưởng giao giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống bộ máy của địa phương.
Ông Sùng Chứ Mua (phải), trưởng dòng họ Sùng vận động bà con cải tạo vườn tạp. |
Phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng Nhân dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, từ năm 2017, dòng họ Sùng đã tự nguyện đăng ký với Công an xã Lũng Chinh xây dựng mô hình dòng họ tự quản về ANTT. Đến năm 2021, mô hình được củng cố, mở rộng và thêm nội dung bài trừ hủ tục. Với một ý tưởng rất hay, mô hình nhanh chóng được các hộ trong dòng họ đồng thuận hưởng ứng, trở thành nền nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình.
Dòng họ đã xây dựng quy chế hoạt động, quy ước, nội quy, quy định để các hộ ký cam kết thực hiện hàng năm. Ban lãnh đạo dòng họ gồm 7 thành viên, thường xuyên trao đổi thống nhất ý kiến để thực hiện nhiệm vụ tự quản về ANTT theo địa bàn, khu dân cư. Đối với những hành vi vi phạm quy ước, gây rối, mâu thuẫn cá nhân, sau khi đã nhắc nhở mà không tiến bộ sẽ áp dụng hình thức xử lý theo quy ước tập thể dòng họ. Dòng họ cũng tổ chức họp định kỳ theo tháng, giữa năm và tổng kết cuối năm để đánh giá những kết quả đạt được và mặt còn hạn chế, yếu kém để rút kinh nghiệm, đưa ra định hướng sát thực tiễn hơn.
Ông Sùng Chứ Mua, trưởng dòng họ Sùng chia sẻ: “Phương châm của dòng họ là lấy sự đoàn kết, thống nhất làm sức mạnh để quản lý, giúp đỡ, giáo dục các thành viên luôn có hành động tốt, làm các việc có ích cho cộng đồng và thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi công dân. Bản thân tôi là người cao tuổi, có uy tín thì phải là chỗ dựa, làm gương để các hộ dân, con cháu noi theo. Ban đầu, việc thay đổi nhận thức trong dòng họ không dễ dàng, bởi các hủ tục đã ăn sâu, bám rễ nhưng nhờ kiên trì vận động, giải thích, lấy chính gia đình của mình làm hình mẫu thực hiện, từng hộ đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm”.
Dòng họ Sùng tích cực tham gia phong trào bảo vệ ANTT, xóa bỏ hủ tục, xây dựng Nông thôn mới. |
Thời gian qua, các thành viên trong tổ tự quản của dòng họ Sùng đã cùng lực lượng Công an xã tuần tra hàng chục lượt; vận động các gia đình giao nộp 5 khẩu súng tự chế; tuyên truyền sâu rộng về thực hiện các Luật đất đai; hôn nhân và gia đình; dân tộc và tôn giáo. Với tinh thần “Nói đi đôi với làm” dòng họ đã từng bước loại bỏ được những hủ tục còn lạc hậu. Trước đây, tang lễ thường kéo dài 3 - 5 ngày, nghi thức phức tạp, tốn kém, thậm chí có hộ mổ tới 4 - 5 con trâu, bò nhưng nay thống nhất chỉ tổ chức dưới 48 tiếng, không phụ thuộc vào thầy cúng, thầy mo xem ngày, việc chôn cất người mất đảm bảo vệ sinh môi trường. Quan niệm cúng bái, đốt vàng mã, mê tín dị đoan, trông chờ vào sự phù hộ của trời đất, thần linh xóa bỏ hoàn toàn. Nhiều tập tục lạc hậu trong ăn, ở, sinh đẻ, chữa bệnh được cải tiến.
Tảo hôn một trong những vấn đề nhức nhối ở vùng đồng bào Mông cũng được ngăn chặn kịp thời. Nhờ việc tuyên truyền qua các buổi họp dòng họ và các quy ước riêng, trong vài năm gần đây, dòng họ không còn trường hợp tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết, không thách cưới, ép duyên. Các gia đình chủ động cho con em học tiếp THCS, THPT, có người theo học cao đẳng, đại học và làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Bà con từ bỏ thói quen phá rừng làm nương rẫy, chăn nuôi thả rông. Nhà cửa ngày càng khang trang hơn. Ngoài chăn nuôi lợn đen, bò Vàng, có hộ còn tích cực trồng cây dược liệu, cây ăn quả thay thế cây ngô.
Thiếu tá Nguyễn Vi Hùng, Trưởng Công an xã Lũng Chinh cho biết: Không chỉ giữ gìn ANTT, dòng họ Sùng đang góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa của người Mông một cách văn minh, phù hợp với cuộc sống mới. Từ hiệu quả thiết thực, mô hình dòng họ Sùng tiếp tục được lựa chọn làm điểm nhân rộng ở thôn Mèo Vống. Các xã khác ở vùng lân cận như Tát Ngà, Nậm Ban, Lũng Phìn đã tổ chức tham quan, học hỏi mô hình. Dòng họ Sùng tự quản về ANTT gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu là điển hình, vinh dự được Bộ Công an công nhận tiêu biểu toàn quốc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2017.
Giữa đại ngàn đá xám, sự thay đổi của dòng họ Sùng là minh chứng sống động, truyền cảm hứng tích cực cho đồng bào người Mông trên hành trình giảm nghèo, bảo vệ bình yên bản làng, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ. Qua đó, càng làm sâu sắc mối liên hệ bền chặt giữa dân với Đảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững tại địa phương.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Nguồn: https://baohagiang.vn/xa-hoi/202504/guong-sang-dong-ho-sung-o-sung-lu-e243381/
Bình luận (0)