Làm sao để học trò tới lớp đầy đủ luôn là trăn trở của các thầy cô công tác ở vùng khó, đặc biệt là những bản làng xa xôi vùng biên viễn – nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ít người.
Đa phần người dân nơi đây không quá chú trọng vào việc học hành của con em, bởi với họ “kiếm đủ ăn đã khó, hơi đâu đi tìm cái chữ”. Những đứa trẻ vào nương vào rẫy từ tấm bé thường trốn tránh tới lớp gặp thầy cô bạn bè. Vì vậy, câu chuyện giáo viên vào bản “bắt” học trò đã trở nên quen thuộc với các thầy cô mỗi dịp năm học mới.
Ở các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị, cứ vào năm học mới, giáo viên ở các trường học có nhiều học sinh người đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô phải vào tận các bản làng để “bắt” học sinh tới lớp.
15h30, sau khi vệ sinh xong phòng học, thầy giáo Hoàng Dương Hòa – giáo viên chủ nhiệm lớp 6A2, Trường TH&THCS A Ngo (Hướng Hóa, Quảng Trị) lái chiếc xe mô tô đã cũ của mình vào bản. Sau 12km đường núi, thầy Hòa tìm đến được một ngôi nhà nhỏ ở bản La Lay, nơi Ngơn – cậu học trò đã 4 ngày không đến lớp đang sinh sống.
Qua tìm hiểu, thầy Hòa được biết Ngơn không thể tới lớp là bởi gia đình rất khó khăn, em không có xe đạp để tới trường. Nắm bắt được tâm tư, thầy Hòa dặn Ngơn có thể xin xe của anh chị cùng bản để đến trường, trao đổi với bố Ngơn có thể xin cho em ở lại nhà người quen gần trường để việc đi học thuận lợi hơn. Thầy Hòa cũng hứa khi các thầy cô vận động được các suất quà, sẽ ưu tiên tặng cho Ngơn.
Chuyến đi của thầy Hòa có kết quả. Ngay ngày hôm sau, Ngơn đến trường tập duyệt cho khai giảng năm học mới, dù vẫn muộn hơn các bạn. Những lần vào bản “bắt” học trò chắc chắn vẫn còn kéo dài nhưng niềm vui khi nhìn thấy lớp đông đủ sẽ là động lực để thầy Hòa cố gắng.
Nguồn: https://laodong.vn/emagazine/gui-hy-vong-tren-lung-nang-buoc-em-den-truong-1386907.ldo