Thông tin trên được Bộ Tài chính nêu tại Tờ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi đã được sử dụng có hiệu quả, đúng theo các thứ tự ưu tiên. Một là cho ngân sách nhà nước vay để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và tạm ứng cho ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp; gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Cụ thể: Bộ Tài chính đã sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay với tổng số phát sinh vay mới là hơn 208.000 tỷ đồng. Từ đó, kịp thời đáp ứng được nhu cầu cân đối của ngân sách trung ương trong bối cảnh ngân sách trung ương cơ cấu lại nợ vay theo hướng giảm nợ vay nước ngoài, tăng huy động từ nguồn vay trong nước. Đồng thời, giảm chi phí vay của ngân sách trung ương và hỗ trợ công tác phát hành trái phiếu Chính phủ khi thị trường gặp yếu tố bất lợi.
Bộ Tài chính đã sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách địa phương tạm ứng với tổng số phát sinh hơn 5.600 tỷ đồng ngân quỹ nhà nước; từ đó, giúp địa phương đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu thanh toán, chi trả khi nguồn thu chưa tập trung kịp.
Bộ cũng gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại với tổng giá trị tiền gửi là hơn 7,79 triệu tỷ đồng; số lãi tiền gửi có kỳ hạn thu được là gần 25.100 tỷ đồng (cao hơn khoảng 18.100 tỷ đồng so với trường hợp chỉ gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi cũng được dùng thực hiện mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị giao dịch 7.000 tỷ đồng; số lãi thu được là 6 tỷ đồng.
“Thông qua việc quản lý hiệu quả ngân quỹ nhà nước, đến 31/10/2023, Bộ Tài chính đã đóng góp 19.078,6 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước”, Bộ Tài chính cho hay.