Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế – xã hội năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Nhìn chung, tình hình kinh tế của tỉnh trong năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển khá.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện năm 2024 đạt 7,78% (chỉ tiêu giao 7,5 – 8%). Xếp thứ 26/63 địa phương trong cả nước; đứng thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; xếp thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.615 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 23,2% so với năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực khi tỉnh luôn nằm trong top 10 tỉnh thành giải ngân dẫn đầu của cả nước. Tính đến ngày 26/11, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 6.951,6 tỷ đồng, đạt 88,38% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.
Điểm sáng của kinh tế tỉnh Bình Định trong năm qua đến từ hoạt động thương mại – dịch vụ, du lịch và sản xuất công nghiệp. Ước cả năm 2024, ngành du lịch Bình Định đón được 9,2 triệu lượt khách, vượt 67% kế hoạch năm; doanh thu du lịch ước đạt 25.500 tỷ đồng, vượt 37,8% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10% so với cùng kỳ (kế hoạch năm 2024 tăng từ 7 – 7,7%). Bên cạnh đó, các hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nhất là đảm bảo an sinh xã hội và công tác giảm nghèo được thực hiện đạt kết quả. Hoạt động chính quyền các cấp đảm bảo, công tác cải cách hành chính được nâng cao. Quốc phòng an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhận định, kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thể hiện sự đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Kết quả này cũng tạo đà và dư địa phát triển cho năm 2025. Tuy nhiên, cũng nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế như sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chậm, có tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm. Một số lĩnh vực quản lý chưa chặt chẽ. Một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, thiếu quyết tâm đột phá. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu chưa đạt cũng cần rút kinh nghiệm để thực hiện trong năm tới.
Trong năm 2025, tỉnh sẽ quyết tâm đạt mức tăng trưởng GRDP từ 7,6-8,5%, song phấn đấu đạt trên 8,5%. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Phạm Anh Tuấn lưu ý quá trình xem xét, giao chỉ tiêu cho các sở, ngành, địa phương phải lượng hoá cụ thể từng chỉ tiêu và sẽ thực hiện giao chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất cho các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý. Từng ngành, lĩnh vực, địa phương phải bắt tay vào việc ngay từ đầu năm. Cùng với đó, ác sở, ngành địa phương phải chuẩn bị, đề xuất các nhiệm vụ tạo đột phá, chuyển mình của tỉnh trong 10 năm tới theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Hiện trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị triển khai rất nhiều dự án quan trọng, tạo đà tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó là các định hướng lớn mang tính đột phá được nêu rõ, từng địa phương phải chỉ ra được những nhiệm vụ mang tính đột phá để tạo dư địa cho giai đoạn tới tăng trưởng. Đồng thời, các địa phương cũng có trách nhiệm rất lớn trong việc giải phóng mặt bằng, ổn định tình hình dân cư ở địa bàn triển khai dự án,…
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-dinh-grdp-uoc-tang-7-78-trong-nam-2024-384216.html