(TN&MT) – Thông tin mới nhất từ UBND thành phố Hà Nội cho thấy, năm 2022, kinh tế Thủ đô trên đà phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Quý I tăng 5,91%; Quý II tăng 8,22%; quý III tăng 15,30%; Quý IV tăng 6,76%. Dự kiến cả năm 2022, GRDP tăng 8,89%.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022, cân đối thu – chi ngân sách được đảm bảo; Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567,7 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển 46.022,7 tỷ đồng, đạt 90,1% dự toán; chi thường xuyên 50.883,9 tỷ đồng, đạt 95,5% dự toán giao đầu năm.
Xuất khẩu phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 11,9%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,26 tỷ USD, tăng 15%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 26,5% (cùng kỳ giảm 6,3%); Ước cả năm 2022 đạt 615,96 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%. Ngành du lịch phục hồi mạnh. Lũy kế 11 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,277 triệu lượt, tăng 57%; khách quốc tế 952 nghìn lượt, tăng gần gấp 5 lần. Tổng thu từ khách du lịch 11 tháng đầu năm tăng hơn 5 lần.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm tăng 8,7%; ước năm 2022 IIP tăng khoảng 8%. Sản xuất nông nghiệp ổn định; cây trồng phát triển tốt, đàn lợn, trâu, bò và gia cầm đều tăng.
Vốn đầu tư thực hiện tăng mạnh, doanh nghiệp phục hồi phát triển. Ước năm 2022, vốn đầu ta phát triển đạt 468 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% và bằng khoảng 39% GRDP. Lũy kế 11 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội thu hút khoảng 1,540,4 tỷ USD vốn FDI (tăng 11,6%). Trong 11 tháng năm 2022, có 27.601 doanh nghiệp thành lập mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 312.377 tỷ đồng (tăng 26% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).
Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Cụ thể, Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022. UBND Thành phố đã phê duyệt 4 đồ án quy hoạch quan trọng: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 2 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, đã phê duyệt danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố. Dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang được đẩy nhanh tiến độ. Mạng lưới giao thông được tổ chức lại góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được rà soát, xử lý dứt điểm.
Trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Thành phố đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19; Đã thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho 420,28 nghìn lượt lao động trong 13,97 nghìn lượt doanh nghiệp với số tiền là 220,4 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 62.362 khách hàng với dư nợ 63.406 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 325.510 khách hàng với dư nợ 536.253 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 3,8 triệu tỷ đồng cho hơn 216,6 nghìn lượt khách hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND thành phố cho biết còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2022. Điển hình là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dù cao hơn cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tồn tại, khó khăn vướng mắc từ nhiều năm như: Công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt; vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ, việc bán nhà, quỹ nhà tái định cư, thẩm định phê duyệt dự án; sự thiếu quyết liệt cố gắng của một số cơ quan, đơn vị trong công tác giải ngân vốn đầu tư…
Tổng thu ngân sách ước cả năm vượt dự toán, tuy nhiên kết quả một số khoản thu, khu vực thu còn thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ: Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 74,1% dự toán, giảm 5,7%; Thu từ khu vực đầu tư nước ngoài đạt 89,7% dự toán, giảm 0,5%; Các khoản thu về nhà, đất chỉ đạt 60,3% dự toán, giảm 22,2%.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, thành phố xác định giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới; Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…