Nhậm chức Tổng giám đốc điều hành Grab Việt Nam từ tháng 12/2022, lần đầu tiên ông Alejandro Osorio có cuộc gặp gỡ với báo chí, trao đổi về chiến lược kinh doanh, định hướng lâu dài của ứng dụng và cơ hội phát triển tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thách thức.
Trong những cụm từ lặp lại nhiều nhất, Alejandro Osorio đặc biệt nhấn mạnh: tiềm năng, hấp dẫn. “Xét động lực tăng trưởng cho ngành, sự hiểu biết và sẵn sàng về công nghệ, Việt Nam có thể nằm trong top đầu khu vực”, ông đánh giá.
Theo ông, nước ta có nhóm dân số trẻ chiếm số đông với hành vi yêu thích và thường xuyên sử dụng thiết bị di động; tầng lớp trung lưu đang tiếp tục gia tăng.
Việt Nam vẫn được dự đoán là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm nay. Sự phát triển kinh tế nhanh được ông ví dụ bằng xu hướng: mọi người chuyển từ xe đạp sang xe máy rồi đến ôtô chỉ trong một thời gian ngắn, hạ tầng giao thông hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt.
Thú vị hơn, người Việt có tinh thần kinh doanh vô cùng cao. Điều ấn tượng nhất với ông là từ người bán hàng trên đường phố đến dân văn phòng, nhà khởi nghiệp, ai cũng quyết tâm, phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày.
Chính thức gia nhập thị trường Việt vào năm 2014, Grab hiện cung cấp đa dịch vụ: di chuyển, giao hàng, giao nhận thực phẩm, đi chợ online và đang hợp tác cùng một số đối tác để cung cấp các dịch vụ tài chính. Có niềm tin vào cơ hội mở rộng thị phần, song CEO cũng nhìn nhận thực tế sẽ “mất rất nhiều công sức” trong quá trình bản địa hóa sản phẩm theo từng địa phương.
Với tỷ lệ thâm nhập của các dịch vụ Grab còn thấp, CEO nói những khoảng trống này chính là cơ hội phát triển. Bằng cách đưa ra những dịch vụ mới và mở rộng những lợi thế sẵn có ra nhiều thị trường , từ sáng đến trưa hay chiều muộn, đêm tối, hãng sẽ thúc đẩy người dùng mở app, sử dụng, từ đó tạo đà cho tăng trưởng bền vững.
Khi được đặt câu hỏi về thị phần trong nước, Alejandro Osorio cười, đáp: Không thể tiết lộ. Nhưng ông nói rằng có thể nhìn thấy bằng cách quan sát những con đường, quán ăn, tòa nhà, góc phố… mà ta đi qua.
“Grab là một thương hiệu, nhưng nay đang được nhiều người dùng như cả danh từ và động từ. Như khi cần đặt một chuyến xe, mọi người bảo: ‘Tôi sẽ Grab’. Hay lúc rủ nhau đặt đồ ăn, tôi nghe họ nói: ‘Grab không?’. Điều đó thể hiện chỗ đứng mà chúng tôi có trong thị trường”, Alejandro phân tích.
Hiện, nhìn tổng thể đơn vị ghi nhận mức hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Ông phân tích, ở bối cảnh đại dịch việc giao hàng vô cùng phổ biến vì mọi người đều ở nhà, hàng quán đóng cửa… Nhưng thật thú vị, khi mọi hoạt động dần trở lại bình thường, lĩnh vực giao nhận vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, thậm chí còn tăng tốt hơn.
Một con số khác mà CEO chia sẻ là ngoài Hà Nội và TP HCM, Grab hiện có mặt tại khoảng 50 tỉnh, thành khắp cả nước.
“Hoặc bạn cũng có thể mở điện thoại lên để thấy sự đa dạng của các dịch vụ cũng như phạm vi tiếp cận mà chúng tôi có trên toàn quốc – một thành quả được bồi đắp từ những khoản đầu tư mạnh mẽ, nghiêm túc về công nghệ, tài chính lẫn nhân lực trong suốt hơn 9 năm”, ông nói.
Đồng tình rằng kinh doanh sẽ luôn đặt các đơn vị trong tình thế cạnh tranh, nhưng bối cảnh đó đồng thời tạo nên động lực phát triển. Người đứng đầu Grab Việt Nam cũng tin cơ hội dành cho tất cả doanh nghiệp, vì thị trường vẫn còn rất nhiều dư địa.
Lạc quan, nhưng không thể bỏ qua thực tế có muôn vàn thách thức. “Thách thức đầu tiên và lớn nhất là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với đối tác và cộng đồng”, ông nêu. Đặc biệt, trong đại dịch, ban lãnh đạo hiểu rõ hơn mỗi một quyết định đưa ra có thể tác động đến cuộc sống của hàng triệu người, từ đối tác tài xế, cửa hàng đến khách hàng… Mỗi chính sách, chương trình đưa ra cần nhiều hơn sự cẩn trọng, đầu tư, đòi hỏi sự hoàn thiện về bộ máy vận hành.
Thứ hai, ông nhận định lĩnh vực đặt xe – giao hàng thông qua ứng dụng vẫn khá non trẻ. Grab đến nay chỉ có chín năm hoạt động, thị trường vẫn đang phát triển rất nhanh.
Một khó khăn khác, bên ngoài Hà Nội và TP HCM, mức độ thâm nhập của dịch vụ Grab còn khá thấp. Nhưng chỉ cần thay đổi góc nhìn, với bộ phận lớn người dân đang sống tại các tỉnh, thành nhỏ, đây sẽ là tiềm năng rất lớn để phát triển.
“Có rất nhiều thách thức khác nhau mà chúng tôi phải đối mặt. Đó là lý do tại sao tôi ở đây”, người đứng đầu Grab Việt Nam nói.
Alejandro Osorio có kinh nghiệm dày dặn qua nhiều năm làm việc tại các nước châu Á, cũng là người giúp Grab Thái Lan vượt qua và hồi phục mạnh mẽ sau Covid-19. Chính vì vậy trong bảng thông báo nhận chức, tập đoàn giới thiệu nam CEO với vai trò: nâng cao vị thế trong các mảng dịch vụ tại Việt Nam.
Suốt buổi trò chuyện, ông Alejandro Osorio liên tục nói: đừng hỏi về tôi. Đánh giá bản thân hướng nội, nhưng ông chia sẻ sẽ phát triển đội ngũ nhân sự bằng cách: truyền đến họ đam mê.
CEO cho biết, bản thân rất thích đặt câu hỏi để mở rộng suy nghĩ: “Tôi luôn đón nhận, học hỏi và trải nghiệm những nền văn hóa mới trong cuộc sống lẫn sự nghiệp bởi không ai là chuyên gia tuyệt đối trong mọi lĩnh vực. Ở các môi trường mới, tôi luôn gặp nhiều thử thách; nhưng thay vì lùi bước, tôi coi đó như động lực để làm mới, trau dồi bản thân. Và ở vị trí CEO, đó là cách tôi giúp công ty phát triển”.
Để biến thách thức thành cơ hội, hãng dựa trên bốn trụ cột: tận dụng sức mạnh của hệ sinh thái đa ứng dụng; nâng cao hiệu quả vận hành; mang đến thêm nhiều dịch vụ tiết kiệm; tăng hỗ trợ đối tác và cộng đồng.
Nhưng mọi chiến lược đều xoay quanh phần cốt lõi – người dùng. Muốn đáp ứng đầy đủ và tốt nhất nhu cầu của người dùng, công ty cần thấu hiểu bức tranh toàn cảnh của thị trường lẫn nhu cầu riêng biệt của từng cá nhân.
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức, khách hàng dần thay đổi cách chi tiêu và siết chặt hầu bao hơn. Ứng dụng cần nắm rõ xu hướng này và đưa ra các dịch vụ, tính năng giúp người dùng có thể tiết kiệm chi phí.
Hiện nay, khi đội ngũ tài xế đã cải thiện số lượng sau đại dịch, hãng có thể đưa ra mức giá tiết kiệm hơn khi người dùng lựa chọn các dịch vụ GrabBike và GrabCar. Công ty cũng ra mắt GrabBike Economy và GrabCar Economy có mức giá rẻ hơn lên đến 10% so với dịch vụ thông thường. Riêng GrabFood hiện thử nghiệm một tính năng mới cho phép người dùng có ba lựa chọn giao hàng, trong đó có thể chọn mức phí rẻ hơn nếu họ sẵn lòng đợi lâu hơn một chút.
Kế đến, nền tảng tối ưu hóa ưu thế của một siêu ứng dụng đa dịch vụ để mang lại thêm nhiều giá trị cho người dùng và đối tác. “Chiến lược ‘siêu ứng dụng’ ngày càng chứng tỏ hiệu quả trong việc duy trì khách hàng cũ, thu hút khách mới vì mọi người chỉ cần vào một ứng dụng duy nhất cho tất cả nhu cầu”, CEO nêu. Hay về phía tài xế, thay vì chỉ có một nguồn thu nhập từ một dịch vụ, họ có thể nhận thêm việc giao món ăn, vận chuyển hàng hóa… và tối đa thu nhập trong suốt cả ngày.
Với các đối tác cửa hàng GrabFood và GrabMart, hãng cũng đưa ra nhiều công cụ tăng trưởng, chương trình tăng mức độ nhận diện thương hiệu…. từ đó giúp quản lý vận hành và tối ưu khoản chi tiêu.
Không nằm ngoài xu thế toàn cầu, hãng nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội, mang đến nhiều cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế lẫn các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong hệ sinh thái. Với tài xế, ngoài việc giúp nâng cao kỹ năng số và nhiều cơ hội tăng thu nhập, Grab còn kết nối họ với các dịch vụ hỗ trợ tài chính, bảo hiểm.
Trong năm nay, đơn vị triển khai nhiều chương trình như GrabConnect giúp nhiều hợp tác xã nông nghiệp số hóa, tăng khả năng tiếp cận người dùng. Hay với chương trình “Cùng Grab chung tay, xây cầu đến lớp”, công ty dự kiến sẽ cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hoàn tất xây dựng câu cầu thứ 7 và 8 tại tỉnh Lai Châu để các em học sinh và người dân đi lại dễ dàng, an toàn hơn.
Xa hơn, công ty cũng đang góp phần tích cực vào cam kết trung hòa carbon vào năm 2040 của tập đoàn. Nếu đặt GrabBike hoặc GrabCar, người dùng có thể chọn tính năng trung hòa carbon để ủng hộ Quỹ sống trồng rừng đầu nguồn tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Còn trên dịch vụ đặt đồ ăn GrabFood, ứng dụng mặc định không lấy dụng cụ ăn uống nhựa.
Cũng trong buổi trò chuyện, ông tiết lộ về việc đang hợp tác với một số công ty để thử nghiệm sử dụng xe điện cho dịch vụ giao hàng GrabExpress. Theo thử nghiệm trong một tháng tại Hà Nội, các tài xế GrabExpress đã đi quãng đường khoảng 30.000 km và giảm khoảng 3,4 tấn khí thải carbon.
Khép lại buổi trò chuyện, CEO ví von:
“Grab là vợ tôi”, và vì vợ luôn được ưu tiên nên Grab chính là mối
quan tâm lớn nhất của Alejandro lúc này. Ông tin tưởng
cùng với đội ngũ nhân sự tài năng và nhiệt huyết, Grab Việt Nam sẽ đạt cột mốc
tăng trưởng bền vững cho toàn hệ sinh thái và tạo
ra tác động tích cực cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh
mẽ.
Nội dung: Thảo Nguyên – Ảnh: Thanh Tùng – Thiết kế: Thái Hưng