Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 74 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định, nội dung phù hợp với thực tiễn. Đồng thời bổ sung, sửa đổi các quy định bất cập, chồng chéo, loại bỏ quy định không còn phù hợp. Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về nội dung một số điều, khoản, như: bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet; nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần lớn trên thị trường; chia sẻ hạ tầng viễn thông…
Các đại biểu dự hội nghị.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), gồm 8 chương, 54 điều. Đại biểu đề xuất làm rõ các vấn đề như: chữ ký số, chữ ký điện tử; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; quy định về điều kiện kinh doanh với dịch vụ tin cậy; việc đảm bảo tính bảo mật, an toàn cho dữ liệu, thông tin cá nhân; các vấn đề về nguồn dữ liệu mở; xử lý vi phạm trong các giao dịch điện… Đồng thời, đề nghị quy định trách nhiệm của các bên có liên quan khi để xảy ra mất, lộ lọt, bị thay đổi, chiếm đoạt dữ liệu, thông tin cá nhân trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử (hoặc trong quá trình thu thập, lưu trữ các thông tin, dữ liệu này – môi trường offline)…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy ghi nhận các ý kiến góp ý, đồng thời nhấn mạnh: Luật Viễn Thông (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được thông qua sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với làn sóng mạnh mẽ của tiến bộ khoa học – công nghệ, tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng… Các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đầy đủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời nghiên cứu, tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.