(QNO) – Sáng nay 21/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Các ĐBQH Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đặng Thị Bảo Trinh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn chủ trì hội nghị.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 31 điều. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ ANTT; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ ANTT trên địa bàn xã, phường, thị trấn; hỗ trợ lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã.
Trong 7 nội dung gợi ý hội nghị tập trung nghiên cứu góp ý, theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước, dự thảo luật quy định thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”; không trùng lặp với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở.
Ông Phước bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật xem đây là lực lượng hỗ trợ. Vậy phải chăng công an chính quy còn yếu nên cần hỗ trợ? “Tôi nghĩ công an chính quy là không thể yếu, nên quan điểm “hỗ trợ” có làm tổn thương anh em công an chính quy không?” – ông Phước phát biểu.
Trong khi đó, đối với dự thảo Luật Căn cước, theo ông Phước, sau thời gian thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014 đã bộc lộ một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ hiện nay.
Từ thực tiễn công tác, ông Phước đề nghị đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, huyện và một số địa phương cấp xã góp ý thêm những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Căn cước.
Cụ thể như về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo luật sửa đổi theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú… Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Hay như, dự thảo luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi (thực hiện theo nhu cầu) và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho họ cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Nhiều ý kiến thảo luận, góp ý tại hội nghị thống nhất quan điểm về sự cần thiết phải xây dựng và trình hai dự thảo luật nêu trên; đồng thời đưa ra các căn cứ pháp lý và dẫn chứng từ thực tiễn để luận giải, làm rõ thêm cho sự cần thiết này.
Dành nhiều sự quan tâm đối với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Công an cần hoàn chỉnh về câu chữ cho tường minh, cụ thể tại một số điều khoản, tránh để gây ra hiểu lầm. Đặc biệt cần làm rõ vấn đề đang được quan tâm là có tăng biên chế, ngân sách chi trả hoạt động, tính chất chuyên môn công việc của lực lượng này…
Theo ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, dự thảo luật không nên quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ bảo vệ ANTT là “hỗ trợ” cho công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Vì không tương xứng với vị trí, vai trò của tổ bảo vệ ANTT là tổ chức tự quản, tự nguyện của nhân dân.
Ngoài ra, cũng với tính chất của tổ bảo vệ ANTT ở thôn/tổ dân phố là tổ chức tự quản, tự nguyện của nhân dân nên việc quy định tại dự thảo luật, lực lượng này với chức năng, nhiệm vụ được giao là quá lớn – như một lực lượng chính quy, chuyên nghiệp.
Ông Hùng cũng lưu ý, dự thảo luật cần luận giải tường minh để tránh tình trạng biến tổ bảo vệ ANTT trở thành “công cụ”, lực lượng thường trực của công an cấp xã. Bổ sung giải thích từ ngữ: “cơ sở” là thôn, tổ dân phố. Và việc tổ chức họp nhân dân để bầu tổ bảo vệ ANTT được thực hiện theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.