Chúng tôi ngồi dưới mái nhà sàn của ông Rôm, âm thanh chiêng ba băng qua khe suối, vọng lên núi đồi, lúc vui tươi thánh thót, lúc lên bổng xuống trầm như vòng đời của đồng bào dân tộc được cha mẹ sinh ra, lớn lên, thương nhau thành vợ thành chồng… “Mỗi cái chiêng đều có hồn vía riêng. Muốn điều khiển được nó thì phải hiểu nó, phải coi nó như người bạn của mình, như vậy khi đánh chiêng, hồn mình, hồn chiêng sẽ hòa vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết, vang vọng núi rừng”, ông Rôm chia sẻ.
Đưa đôi tay mân mê mặt chiêng, ông Rôm bắt đầu kể về tình yêu nghệ thuật: “Nhớ ngày nhỏ, tôi thường theo chân cha mẹ tham gia các ngày hội của làng, được nhìn các nghệ nhân đánh chiêng mà trong lòng thích thú vô cùng. Cũng từ những ngày hội ấy, tình yêu với chiêng bắt đầu hừng hực chảy trong huyết quản”.
Cẩn thận lau chùi kỹ từng vết lõm trên mặt chiêng cho hết bụi bẩn, ông Rôm bảo, chiêng ba đã trở thành một món ăn tinh thần độc đáo trong đời sống hằng ngày của đồng bào quê ông. Theo dân làng, gọi là chiêng ba bởi lẽ bộ chiêng này có 3 chiếc. Khi trình diễn, chiêng Vông được để nghiêng, chiêng Tum để nằm, chiêng Túc treo trên dây. Chiêng Tum đóng vai trò giữ nhịp, chiêng Vông và chiêng Túc theo giai điệu. Chiêng Vông và chiêng Tum đánh bằng nắm tay trần, chiêng Túc đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chiêng Túc, dẫn dàn chiêng diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp điệu. Khi diễn tấu dàn chiêng 3 chiếc, người đánh chiêng ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển.
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, các nét văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ba Vinh cũng dần mai một. Vì vậy, những nghệ nhân như ông đều tìm cách lưu giữ và truyền dạy các nét văn hóa của dân tộc cho các thế hệ trẻ để nối tiếp giữ gìn mạch nguồn văn hóa bao đời nay. “Tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng ba cho thế hệ trẻ, hàng năm bình quân có từ 25 đến 30 cháu theo học tại nhà văn hoá thôn. Mình chỉ mong muốn các thế hệ sau này giữ gìn được nét văn hóa truyền thống mà ông bà để lại từ bao đời nay”, ông Rôm bộc bạch.
Trong những năm qua, gia đình nghệ nhân Phạm Văn Rôm luôn đạt danh hiệu gia đình văn hoá, bản thân ông tích cực vận động nhân dân trong thôn thực hiện tốt các nội dung và tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đồng thời, đi đầu trong phát triển kinh tế, các con trong gia đình có việc làm ổn định, các cháu chăm ngoan học giỏi.
Nói về nghệ nhân Phạm Văn Rôm, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh cho biết: “Nghệ nhân Rôm là người tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê trên địa bàn huyện. Ông đánh cồng chiêng giỏi, lưu giữ được nhiều cồng chiêng. Những người như ông Rôm đã và đang góp sức mình vào bảo tồn văn hóa cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa của người Hrê”.
Ba Tơ là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi với phần lớn đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Nơi đây, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, được Bộ VHTTDL chứng nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, các cấp chính quyền cùng người dân chung tay đầu tư, bảo tồn khai thác để góp phần cho phát triển du lịch trên địa bàn. Hiện nay, Ba Tơ trở thành địa điểm du lịch về nguồn hết sức ý nghĩa, là địa chỉ đỏ cho các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu và học tập.