(MPI) – Phát biểu tại cuộc gặp mặt, làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại châu Âu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các thành viên Mạng lưới, các chuyên gia đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là đóng góp vào phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Các chuyên gia của Mạng lưới sẽ là những lực lượng nòng cốt, tích cực góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại buổi làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại châu Âu. Ảnh: Chinhphu.vn |
Cuộc gặp mặt diễn ra chiều ngày 19/01/2025 theo giờ địa phương, trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Séc, tại Thủ đô Praha của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tham dự buổi gặp mặt có các chuyên gia, trí thức, các thành viên trong Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu và Cộng hòa Séc.
Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan sáng lập và bảo trợ Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian để làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu và Cộng hòa Séc. Đây dấu mốc quan trọng của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu khi lần đầu tiên được Đồng chí Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe nguyện vọng, hiến kế từ các thành viên của Mạng lưới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ một số định hướng, quan điểm và tình hình phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp đột phá như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Theo đó, về chủ trương, định hướng phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, các tư tưởng, quan điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ định hướng, chỉ đạo là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, đưa đất nước phát triển đột phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra mục tiêu: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2030 được thông qua tại Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định: phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, bên cạnh hoàn thiện thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng, để đảm bảo các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã tiếp tục khẳng định đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.
Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã được thành lập trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Sau 5 năm hoạt động, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động và được ghi nhận, đánh giá là có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tốt nhất cả nước, quy tụ và có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp từ các quốc gia phát triển.
Về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo: Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nhiều ngành công nghệ, như ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; Sự đầu tư và nâng cấp mạnh về Cơ sở hạ tầng; Cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; Quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2024 vừa qua, Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo như thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; Ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhiều cơ chế, chính sách đã được sửa đổi, ban hành mới nhằm tạo thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, như Luật Thủ đô, các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố; Quỹ Hỗ trợ đầu tư với nhiều cơ chế đột phá ưu đãi cho các dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển, dự án trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip… để mở rộng đầu tư và chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, ngày 05/12/2024, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI.
Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy, đưa lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thành nội hàm then chốt và xuyên suốt trong các khuôn khổ hợp tác với các đối tác quốc tế, hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Quan điểm, phương hướng tập trung triển khai trong thời gian tới là tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng, mục tiêu, nội dung, hoạt động, nhiệm vụ tại Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt; Tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tiếp cận, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực đóng gói tiên tiến, là lĩnh vực có khả năng tạo bứt phá cho Việt Nam; Tập trung hoàn thiện 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn: cơ chế, chính sách; hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao; Tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Về một số nội dung đề nghị các thành viên Mạng lưới triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, cộng đồng kiều bào, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân người Việt Nam tại Séc phát huy tối đa các quan hệ các bạn có tại Séc để mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước dù là nhỏ nhất, qua đó, đưa các nguồn lực vào Việt Nam để phát triển đất nước.
Đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các chuyên gia hàng đầu thế giới, các Viện/Trường, doanh nghiệp, tổ chức, Quỹ đầu tư và các nguồn lực phù hợp khác có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tiếp tục kết nối các tập đoàn công nghệ, đối tác lớn trên thế giới nghiên cứu đầu tư, mở rộng kinh doanh, hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Tiếp tục chia sẻ các kiến thức về công nghệ: tạo thêm nhiều diễn đàn, hội thảo để chia sẻ kiến thức và công nghệ mới, kết nối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-20/Gop-phan-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-wogwlh.aspx