Song hành cùng sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin
Ra mắt ngày 26/12/2003, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, hiện quy tụ gần 50 nhà báo thành viên thuộc hơn 40 cơ quan báo chí của Việt Nam chuyên theo dõi về lĩnh vực công nghệ thông tin.
Được biết, CLB được thành lập từ những nhà báo chuyên theo lĩnh vực công nghệ thông tin, họ tập hợp nhau lại để thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kiến thức trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, công nghệ thông tin, viễn thông… Vào những năm 2000, khi các dịch vụ viễn thông và CNTT còn đang sơ khai, giá cả cao, người dân chưa được tiếp cận nhiều với lĩnh vực CNTT, các hoạt động của CLB đã giúp góp phần định hướng, hướng dẫn cho người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông và CNTT.
Đây là nơi các phóng viên có thể gặp gỡ, trao đổi các kiến thức trong lĩnh vực báo chí và công nghệ thông tin, tăng cường việc tuyên truyền kiến thức về công nghệ thông tin. Các hoạt động của ICT Press Club (CLB) đều hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin, từ đó đóng góp sức mình vào sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Trong suốt thời gian hơn 20 năm ra đời và phát triển, ICT Press Club đã trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa cơ quan chức năng với những nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông và các khách hàng.
Các nhà báo trong ICT Press Club đã bền bỉ đồng hành, theo sát, cổ vũ, cũng như có nhiều tác phẩm báo chí, trao đổi, phản biện, tạo ra các diễn đàn, bàn tròn quanh các vấn đề, sự kiện, song hành cùng sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin- viễn thông Việt Nam.
Mặc dù mô hình CLB hoạt động không hẳn như một tổ chức hành chính nhà nước, mà dựa trên tinh thần gắn kết của mỗi người. Tuy nhiên ở đó mỗi hội viên, nhà báo tự nguyện đóng góp công sức vào thành công chung của CLB. Từ khi hình thành và phát triển, hơn 20 năm qua Ban chủ nhiệm CLB luôn có sự kế thừa và phát huy. Hiện nay ở ban chủ nhiệm CLB có cả những thành viên duy trì tham gia hoạt động từ ngày đầu tiên khi CLB ra đời cho đến nay.
Các tác phẩm báo chí và các hoạt động của CLB không chỉ tuyên truyền kiến thức, phổ cập thông tin về CNTT, viễn thông mà còn góp phần tạo nên một xã hội số năng động và minh bạch. Tuyên truyền chủ trương chính sách, truyền thông hoạt động doanh nghiệp, đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông- công nghệ thông tin. Các hoạt động của CLB đã được các cơ quan chức năng, giới công nghệ thông tin và công luận đánh giá cao bởi tính trung thực, chính xác, khách quan.
Thế mạnh của người nào, ở mảng gì sẽ tham gia vào phần đó
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận về việc duy trì các hoạt động tạo được hiệu quả truyền thông tốt, nhà báo Nguyễn Việt Phú – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, thực tế việc tổ chức những hoạt động này chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đã từng tổ chức nhiều sự kiện khác nhau tại cơ quan mình công tác, các hoạt động ở câu lạc bộ được triển khai cũng tương tự. Nếu như ở cơ quan có các đồng nghiệp hỗ trợ, thì ở CLB các thành viên trong CLB sẽ tham gia hỗ trợ lẫn nhau.
Để làm được một sự kiện, một chương trình cần có nguồn nhân lực, nguồn kinh phí và cách thức triển khai. Tuy nhiên nhà báo Nguyễn Việt Phú cho rằng: Đối với chúng tôi thì kinh phí không phải là vấn đề, quan trọng hơn là nội dung chương trình đó. Khi có vấn đề gì liên quan đến công nghệ thông tin đang được người dân quan tâm, các thành viên trong CLB sẽ chia nhau ra làm, xây dựng kế hoạch, kịch bản, góp ý, mỗi người một phương án, từ đó lựa chọn đưa ra chủ đề tốt nhất.
“Thế mạnh của người nào, ở mảng gì sẽ tham gia vào phần đó, là công việc của các nhà báo ngoài việc đi thực tế, chúng tôi có thời gian làm công tác biên tập, vì thế mọi người có nhiều thời gian để xây dựng kịch bản cho các chương trình. Để chuẩn bị cho một sự kiện sắp diễn ra, chúng tôi sẽ bàn và lựa chọn xem các khách mời là ai, sẽ trao đổi về vấn đề gì? Cả việc lựa chọn cán bộ làm ở cơ quan quản lý nhà nước, lựa chọn đại diện doanh nghiệp, cơ quan nào cũng được thống nhất”, nhà báo Nguyễn Việt Phú cho biết.
Thực tế cho thấy trong suốt thời gian qua, các sự kiện, chương trình mà ICT Press Club đưa ra thường những vấn đề sự kiện quan trọng có tác động đến nhiều người dân, có sự tác động xã hội lớn… Đặc biệt đó là những vấn đề đó đang được hầu hết các cơ quan báo chí quan tâm như: bảo mật thông tin, an ninh mạng, lừa đảo trực tuyến…
Thông thường một phóng viên nhà báo sẽ khó để tiếp cận được thông tin từ những cá nhân, tổ chức, nhưng khi CLB đứng ra tổ chức một cách bài bản, dễ dàng cho cả người cung cấp thông tin và tiếp nhận thông tin. Và điều quan trọng hơn cả là phóng viên báo chí đều có được những thông tin tư liệu mà mình mong muốn.
Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của CLB, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam với hành trình bền bỉ đã tạo ra nhiều đóng góp cho hoạt động báo chí nước nhà.
Trong những ngày đầu công nghệ mới phát triển ở Việt Nam, không nhiều người đánh giá cao vai trò của ICT nói chung cũng như của các nhà báo ICT nói riêng. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta đã xây dựng được một Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam hoạt động bài bản, chuẩn chỉnh trong suốt 20 năm qua.
Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “CLB không chỉ là tư liệu cho báo chí tác nghiệp mà đã trở thành một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của báo chí. Việc sử dụng công nghệ để nắm bắt, hiểu nhu cầu cũng như đẩy các nội dung đến với độc giả, người dùng cho thấy vai trò của công nghệ đang ngày càng quan trọng với báo chí”.
Nguồn: https://www.congluan.vn/cau-lac-bo-nha-bao-cong-nghe-thong-tin-gop-phan-tao-nen-mot-xa-hoi-so-nang-dong-va-minh-bach-post307827.html