Nhân viên một tổ chức tín dụng tư vấn cho khách hàng. |
(VLO) Trong khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 thì giải pháp cho vay tiêu dùng (CVTD) được xem là một trong những động lực, góp phần tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nền kinh tế hiện nay.
Nhu cầu tăng cao
Hơn 1 tuần qua, anh Nguyễn Thanh N. (xã Song Phú , huyện Tam Bình) đã liên hệ một số tổ chức tín dụng nhằm tìm giải pháp hỗ trợ CVTD, nhằm giải quyết một số việc có sử dụng số tiền nhỏ, phù hợp và dễ dàng thanh toán trong nhu cầu mua sắm hàng ngày.
“Thay vì làm hồ sơ, thủ tục để vay thế chấp với các gói vay lớn cho nhu cầu sử dụng nhỏ thì tôi chỉ làm thẻ tín dụng cá nhân. Vì gói vay nhỏ nên đơn vị cho vay cũng thẩm định dễ hơn, thời gian phê duyệt cũng ngắn hơn”- anh N. chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn B.- giáo viên một trường tiểu học ở TP Vĩnh Long cũng tìm hiểu về các gói CVTD. Anh cho biết: “Làm thẻ để thủ thân. Nhà có cha mẹ lớn tuổi, có thẻ tín dụng bỏ túi cũng an tâm hơn, phòng trường hợp không xoay xở kịp thì vẫn còn một giải pháp khác tiện lợi hơn”.
Theo anh Lưu Quốc Vinh- chuyên viên thẻ (Ngân hàng HDBank chi nhánh Vĩnh Long) thì hiện nay, điều kiện để mở thẻ là người vay phải có thu nhập từ lương, có hợp đồng lao động, có sao kê bảng lương.
Khách hàng đang có thẻ tín dụng từ tổ chức tín dụng khác muốn mở thêm thẻ tại HDBank cũng được hỗ trợ tốt nhất. Lợi ích mà các thẻ tín dụng cá nhân rất rõ ràng, khách hàng có thể thanh toán tiêu dùng trước rồi mới trả sau miễn lãi tối đa đến 55 ngày, cùng nhiều tiện ích khác.
Nhân viên một cửa hàng di động ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) cho biết khách hàng thường sử dụng các thẻ tín dụng cá nhân để mua hàng. Thanh toán 0% và miễn lãi suất chính là nguyên nhân kích thích khách sử dụng dịch vụ để nâng cấp sản phẩm, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân hàng ngày.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, tùy vào thời điểm mà các giải pháp tín dụng, tiêu dùng cá nhân sẽ thay đổi để phù hợp với khách hàng. Tuy nhiên có thể nói, sau dịch COVID-19, nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân có tăng lên.
Song các gói tín dụng này cũng phải tuân theo quy định, định mức và điều kiện thanh toán của khách hàng. Tuy nhiên, nhìn chung ở các khoản vay nhỏ, điều kiện cũng tương đối dễ dàng hơn, nhất là đối với các khách hàng có lịch sử tài chính “khỏe, minh bạch”.
Góp phần kích cầu tiêu dùng
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với năm trước.
Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu mở rộng đối tượng CVTD và xem đây là một trong những động lực tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay.
Các gói cho vay tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế. |
Thực tế, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện, chỉ đạo tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để phục vụ nhu cầu đời sống của người dân.
Ông Phạm Anh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã và đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo,… trong quy trình chấm điểm, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Đặc biệt, hiện nhiều ngân hàng đã và đang thử nghiệm, triển khai sản phẩm dịch vụ đăng ký khoản vay trực tuyến cho khách hàng cá nhân có nhiều sự tiện lợi, nhanh chóng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ…
Tham khảo thông tin, hiện nay, nhiều ngân hàng cũng đang tích cực tung hàng loạt gói CVTD ưu đãi tới người dân, để kích thích tiêu dùng từ nguồn vốn rẻ.
Không chỉ các ngân hàng, hệ thống công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cũng đang triển khai mạnh mẽ hoạt động để đem đến nhiều sản phẩm tài chính tiêu dùng hấp dẫn tới người dân.
Theo bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai, không riêng gì với các doanh nghiệp cũng cần vay các nguồn vốn để ổn định, cơ cấu lại sản xuất mà người dân cũng có nhu cầu vay để phục vụ nhu cầu cá nhân. “Khi người dân có vốn, có tiền thì sẽ mua sắm, góp phần kích thích được các kênh bán hàng tiêu dùng, tạo thêm động lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Đặc biệt là doanh thu nội địa sẽ tăng cao”- bà My chia sẻ.
Theo UBND tỉnh, trong những tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã thực hiện các giải pháp để đảm bảo hoạt động thông suốt, an ninh, an toàn.
Đặc biệt là trong tháng 6, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được điều chỉnh giảm nên lãi suất huy động và cho vay được điều chỉnh giảm tương ứng. Tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 6 đạt trên 43.500 tỷ đồng, tăng 3,9% so đầu năm.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cũng chỉ đạo những tháng còn lại của năm 2023, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, cần thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng…
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép được quản lý chặt chẽ thì nhiều công ty không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã lợi dụng, trà trộn mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn, tiếp cận người dân, cho vay với lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức. Không những thế khi đòi nợ đã dùng mọi hành vi thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính, dẫn đến hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, một vấn đề gây khó cho hoạt động CVTD đó là nợ xấu. Những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay tiêu dùng của khách hàng.
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY