STO – Tháng 6 này, Báo chí Cách mạng Việt Nam kỷ niệm 98 năm ra đời. Báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng của Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Kể từ ngày 21/6/1925 – thời điểm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản số báo Thanh Niên đầu tiên. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, báo chí cách mạng luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân.
Gần một thế kỷ qua, đến nay số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo phát triển không ngừng, với hơn 4 vạn người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó gần 20.000 người được cấp thẻ nhà báo và hơn 24.000 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đủ mọi loại hình báo chí từ truyền thống đến hiện đại. Các thế hệ nhà báo cách mạng xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo cách mạng. Báo chí cách mạng đã tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào tiến trình lịch sử của dân tộc. Những phần thưởng cao quý nhất – Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh – mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho lực lượng làm báo cách mạng cả nước, đã ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng chúc mừng nhân Hội thảo Báo Sóc Trăng 30 năm thành lập và phát triển. Ảnh: THIỆN HẢI
Trong hệ thống Báo chí Cách mạng Việt Nam, bên cạnh các cơ quan báo chí ở Trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, hội nghề nghiệp, còn có hệ thống các cơ quan báo Đảng. Ở Trung ương, có Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và một số báo, tạp chí thuộc các ban của Trung ương Đảng. Ở địa phương, có 63 tờ báo Đảng thuộc tỉnh ủy, thành ủy. Mỗi cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam đều có một bề dày lịch sử phát triển, đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ, có tôn chỉ, mục đích, rõ ràng. Các tờ báo Đảng địa phương ở miền Bắc ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ lúc còn xuất bản bí mật trong kháng chiến cho đến khi công khai trong hòa bình, dựng xây đất nước, địa phương. Các tờ báo Đảng ở miền Trung, Nam, dù ra đời muộn hơn, nhưng tiền thân cũng đều là những tờ tin, tập san của đảng bộ, chi bộ đảng ở địa phương hoạt động bí mật trong vùng địch chiếm đóng, rồi xuất bản công khai, nâng cấp, tăng kỳ trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, từng bước trưởng thành và phát triển cùng với giai đoạn thống nhất, dựng xây phát triển đất nước.
Chính truyền thống lịch sử phát triển vẻ vang của các cơ quan báo Đảng, một đội ngũ lao động báo chí chuyên nghiệp, đạo đức, bản lĩnh và phong cách cùng với chất lượng và hiệu quả của các tác phẩm, sản phẩm báo chí đã tạo ra và củng cố, nâng cao các giá trị văn hóa trong cơ quan báo Đảng. Tiếp nối truyền thống đầy tự hào đó, báo Đảng các tỉnh, thành phố nói riêng các cơ quan báo chí địa phương đang tiếp tục nỗ lực để xứng đáng với vai trò là kênh thông tin chính thống, chính thức, tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của người dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân. Mỗi một cơ quan báo chí địa phương – dù là báo Đảng, đài phát thanh, truyền hình, tạp chí… đều đang trăn trở, mạnh mẽ chuyển mình trước những thay đổi “chóng mặt” của công nghệ, sự cạnh tranh khốc liệt từ vô số nguồn thông tin của các tổ chức và cá nhân trong một “thế giới phẳng”, cho đến sự đổi thay trong hành vi, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng độc giả, khán, thính giả. Báo chí đang đứng trước không ít những thách thức to lớn, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, để có thể tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như việc cung cấp những thông tin hữu ích cho người dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là chiếc “cẩm nang thần kỳ” cho những người lãnh đạo và quản lý báo chí, cho tất cả những ai coi báo chí như một trong những mặt trận xung kích trong công cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta vì độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Lao động báo chí là lao động sáng tạo nhằm tạo ra sản phẩm thể hiện tính tập thể cao, trong đó có dấu ấn cá nhân của mỗi nhà báo với vai trò là tác giả của các tác phẩm báo chí. Đội ngũ lao động báo chí đóng vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của một cơ quan báo chí. Các biên tập viên, phóng viên trong các cơ quan báo Đảng ở Trung ương và địa phương có những nguyên tắc, yêu cầu, đặc điểm lao động nghề nghiệp riêng có, trong đó phẩm chất chính trị, tin tưởng và trung thành với đường lối lãnh đạo của Đảng là yếu tố then chốt, hàng đầu. Cũng vì vậy, đại đa số nhà báo được cấp thẻ hành nghề chuyên nghiệp đang làm việc trong cơ quan báo Đảng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiêu chuẩn để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo Đảng phải là đảng viên, có trình độ lý luận chính trị cao, có kiến thức, kỹ năng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và kinh nghiệm chuyên môn nghề nghiệp báo chí…
Phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI
Cùng với đó, để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, giữ vững tôn chỉ, mục đích, thì vấn đề văn hóa trong hoạt động báo chí phải được đặt lên hàng đầu. Trên “xa lộ thông tin” báo chí cách mạng phải giữ vững vai trò thông tin đại chúng chính thống, hoàn thành trách nhiệm định hướng dư luận xã hội. Năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và Báo Nhân Dân đã phối hợp phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Phong trào nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”. Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Để phong trào thật sự lan tỏa và đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, mỗi cơ quan báo chí cần nhanh chóng tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa của phong trào và Bộ Tiêu chí tới người làm báo, người lao động; động viên toàn thể cơ quan nhiệt tình hưởng ứng, tham gia thực hiện. Từ đó, góp phần hình thành và củng cố nên môi trường văn hóa tốt đẹp ở các cơ quan báo chí tỉnh nhà, những giá trị văn hóa, những tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức văn hóa mà mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo địa phương tự giác thực hiện, coi đó là điều hiển nhiên, lẽ tất yếu của người làm báo – người làm văn hóa.
LÂM THANH