Bộ đội Biên phòng Nghệ An tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm các quy định IUU.
Nhờ đó, ngư dân đã tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép; chung tay cùng các cấp, các ngành và cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC và góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Chúng tôi tham dự một buổi tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp do Bộ đội Biên phòng Nghệ An tổ chức cho hơn 200 chủ phương tiện và ngư dân xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Tuyên truyền tập trung cho chủ phương tiện và bà con ngư dân về chống khai thác IUU ở xã Quỳnh Long.
Với phương pháp thuyết trình, sử dụng các hình ảnh minh hoạ và vụ việc cụ thể, các cán bộ biên phòng đã giúp bà con nhận thức đúng và chấp hành nghiêm chỉnh khi tham gia hoạt động trên biển.
Tham gia buổi tuyên truyền, ngư dân Trần Quốc Thành ở xã Quỳnh Long, cho biết: Là công dân Việt Nam, Nhà nước đã tuyên truyền phải có trách nhiệm, không được vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định IUU nhằm góp phần cùng cả nước gỡ được thẻ vàng của EC để đánh bắt được lâu dài…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Long Trần Văn Nguyện cho biết: “Chúng tôi đã kết hợp với đồn Biên phòng mời tất cả bà con đánh bắt xa bờ để tổ chức tuyên truyền cho bà con về Luật Thủy sản năm 2017, các quy định chống khai thác bất hợp pháp IUU nên đã nâng cao nhận thức cho ngư dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức tuyên truyền ở tất cả các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ tại địa phương”.
Cảng cá Quỳnh Phương, nơi hằng ngày có rất đông tàu thuyền trong và ngoài tỉnh cập bến và rời bến, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã phối hợp địa phương tổ chức các tổ đội tuyên truyền lưu động tới từng tàu của ngư dân để tuyên truyền và phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống IUU.
Cùng với đó, lực lượng Biên phòng cũng tăng cường kiểm tra từng tàu cá trước khi rời bến phải bảo đảm các thủ tục, thiết bị giám sát hành trình. Nếu phương tiện nào mà thiết bị giám sát hành trình không hoạt động thì cương quyết không cho xuất bến.
Đang chuẩn bị các vật tư, nhu yếu phẩm cho chuyến ra khơi mới, ngư dân Lê Văn Hai, chủ tàu TH 91752 TS cho biết, nhờ tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng mà chúng tôi hiểu rõ những việc cần làm và thực hiện nghiêm các quy định. Chẳng hạn như việc tàu chúng tôi vào đây phải đầy đủ tất cả các thủ tục thì đồn ở đây mới cho nhập cảng.
Ngoài trình báo với đồn Biên phòng, chúng tôi cũng đã khai báo với ban quản lý cảng về nguồn gốc thủy sản đánh bắt… Khi xuất bến, chúng tôi cũng bảo đảm các thủ tục theo quy định.
Trung tá Nguyễn Tư Hóa, Chính trị viên đồn Biên phòng Quỳnh Phương cho biết: Đồn Biên phòng Quỳnh Phương quản lý hơn 1.100 phương tiện tàu cá các loại. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển. Kịp thời hỗ trợ bà con trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, thông qua hệ thống liên lạc, radio, Icom để tuyên truyền, hướng dẫn các phương tiện hoạt động vùng biển xa kết hợp đánh bắt hải sản với nắm bắt, cung cấp tin tức, hình ảnh về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta cho các lực lượng chức năng xử lý. Đơn vị còn phối hợp cảng cá kiểm tra, kiểm soát chặt các phương tiện tàu cá ra, vào cảng…
Cùng với tổ chức tuyên truyền tập trung, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã vận dụng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với hoạt động đánh bắt, khai thác của bà con ngư dân, nhất là trong biên soạn các tờ rơi với các quy định của pháp luật ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và tiện mang theo khi làm ăn trên biển; các số điện thoại, tần số cần thiết để liên lạc khi gặp khó khăn; thu âm các nội dung quy định chống khai thác IUU; phối hợp chính quyền các địa phương phát trên các hệ thống loa truyền thanh; tổ chức các hội nghị truyền thông và ký cam kết phòng chống khai thác IUU.
Bộ đội Biên phòng tranh thủ đến từng gia đình chủ tàu để tuyên truyền.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn phối hợp các địa phương, các cơ quan chức năng sẽ tập trung khoanh vùng, phân loại đối tượng nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt tàu cá xuất bến, không để tàu cá không đủ điều kiện xuất bến; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm quy định VMS, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý vi phạm tại các cảng cá… Từ đó tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động cho bà con ngư dân trong quá trình làm ăn trên biển.
Góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng
Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: Công tác đấu tranh chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các lực lượng, trong đó có Bộ đội Biên phòng Nghệ An.
Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tuyến biển triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã ban hành 14 chỉ thị, công văn, kế hoạch; tiến hành 5 đợt kiểm tra tại các đơn vị đồn, trạm biên phòng tuyến biển để chỉ đạo công tác đấu tranh chống khai thác IUU. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, đồng thời củng cố, hoàn thiện hệ thống hồ sơ, sổ sách về chống khai thác IUU tại các đơn vị theo quy định.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều tra, xác minh, xử lý 6 vụ, 26 phương tiện của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 650 triệu đồng; tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 4 tháng 15 ngày đối với 2 chủ phương tiện…
Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài có hiệu quả, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chủ động phối hợp với các lực lượng, địa phương liên quan làm tốt công tác tuyên truyền chống khai thác IUU; mở đợt cao điểm tuyên truyền đến tất cả các ngư dân thuộc địa bàn các huyện, thị ven biển, tổ chức cho ngư dân ký cam kết chống khai thác IUU…
Từ năm 2021 đến nay đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 35 buổi, 4.800 lượt chủ phương tiện tàu cá và ngư dân; tuyên truyền hằng ngày trên hệ thống truyền thanh của 34 xã, phường biên giới biển; tuyên truyền lưu động bằng loa kéo được 30 đợt, 34 xã, phường tuyến biển; biên tập và phát gần 8.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về khai thác IUU… Qua đó, đã nâng cao được nhận thức, ý thức, trách nhiệm của ngư dân, nhất là các chủ phương tiện trong việc chấp hành Luật Thủy sản và chống khai thác IUU.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác làm tốt công tác nắm tình hình trên biển, chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ tiến hành điều tra cơ bản, lập hồ sơ theo dõi các tàu cá có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tăng cường chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng tuyến biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập lạch, kiên quyết không cho phương tiện xuất lạch khi chưa đầy đủ các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị an toàn theo quy định; triển khai các biên đội tàu và phối hợp Chi cục Thủy sản thường xuyên tuần tra, kiểm soát vùng biển, qua đó trực tiếp tuyên truyền nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Làm thủ tục xuất bến cho các chủ phương tiện tại Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Cờn.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, đa dạng trên, tình hình tàu cá Nghệ An vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã có nhiều chuyển biến tích cực, và sẽ đi đến chấm dứt trong thời gian tới.
Nghệ An có 82km bờ biển với 3.384 phương tiện tàu cá, trong đó có hơn 1.600 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất hơn 90 mã lực.
nhandan.vn