Từ việc thu gom, phân loại rác thải, bán phế liệu tạo nguồn thu, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh có thêm kinh phí giúp đỡ người nghèo, hội viên khó khăn.
Phụ nữ thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) thực hiện mô hình biến rác thành tiền giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Không phải cửa hàng thu mua phế liệu nhưng mỗi tháng 1 lần hoặc mỗi quý 1 lần, nhiều sân nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố, thậm chí sân của 1 gia đình là điểm tập kết các loại bìa, vỏ lon bia và nước ngọt… Còn những người phân loại, thu gom các phế liệu này là hội viên, phụ nữ các địa phương.
Chị Trần Thị Như, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) cho biết: Tôi cứ gom phế liệu lại rồi đợi khi Chi hội thu gom thì mang tới. Gom như thế vừa sạch, gọn gàng nhà cửa vừa có thể góp phần nhỏ giúp những mảnh đời khó khăn.
Không có công việc nào là dễ, nhất là công việc lại không mang đến nguồn lợi cho người thực hiện. Sau một thời gian triển khai, cán bộ, hội viên, phụ nữ không chỉ quen với việc phân loại, quen với cái bẩn của mớ phế liệu mà còn quen với cả những thắc mắc “Rác thải nhặt làm gì?” hay “Nhặt để ủng hộ người khác chứ có phải của mình đâu mà phải cố gắng làm cái gì?”.
Chị Đoàn Thị Quỳnh Nhiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thụy Bình (Thái Thụy) bộc bạch: Đầu năm 2019, Hội LHPN xã đã thành lập mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ nghèo. Ban đầu, nhiều chị em nghĩ rằng việc thu gom phế liệu mất thời gian trong khi tiền thu về chẳng đáng là bao nên thường vứt bỏ cùng rác sinh hoạt. Từ khi thấy được hiệu quả của mô hình, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường vừa giúp được nhiều người nên chị em ngày càng đồng thuận cao. Trước đó, Hội cũng tuyên truyền chị em phân loại rác thải tại hộ gia đình. Rác thải hữu cơ được tận dụng làm phân bón hữu cơ (sử dụng biện pháp chôn lấp hoặc ủ men vi sinh). Rác thải vô cơ không thể tái chế, tái sử dụng được thu gom, vận chuyển ra bãi rác tập trung. Rác thải vô cơ tái chế được sẽ được để riêng và ủng hộ cho hội.
Tuy có những tên gọi khác nhau: tiết kiệm từ phế liệu hay thu gom, phân loại rác thải tái chế gây quỹ ủng hộ phụ nữ, trẻ em nghèo nhưng việc thực hiện mô hình biến rác thải thành tiền đều hướng đến mục đích: hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đến giữa tháng 4/2023, mô hình đã được triển khai tại 214 xã, phường, thị trấn với 501 mô hình, số tiền thu được là hơn 1,133 tỷ đồng. Nếu làm một phép toán đơn giản, với giá phế liệu trung bình là 5.000 đồng/kg, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã góp phần thu gom, tái chế được hơn 226 tấn phế liệu.
Em Phạm Tấn Phước, thôn Trần Phú, xã Bình Định (Kiến Xương) chia sẻ: Em được các cô ở Hội LHPN xã nhận đỡ đầu. Em được biết, một phần kinh phí chắt chiu từ những phế liệu được thu gom về. Em càng quý trọng và biết ơn tình cảm của các cô.
Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hiện nay, mô hình biến rác thành tiền đã trở thành điểm sáng trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch” gắn với nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài giá trị cốt lõi là chung tay bảo vệ môi trường khỏi tác hại của rác thải, mô hình còn lan tỏa ra cộng đồng nhiều ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở triển khai thực hiện mô hình; đồng thời nghiên cứu tổ chức hội nghị tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm và biểu dương điển hình tiên tiến trong thực hiện mô hình.
Biến rác thành tiền và dùng tiền cho những hoạt động cộng đồng, hiệu quả kép được tạo nên nhờ chất dẫn đặc biệt mang tên lòng nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ và đó cũng là cơ hội để rác thải được tuần hoàn trong một hành trình mới có ích hơn.
Phụ nữ thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) thực hiện mô hình biến rác thành tiền giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Xuân Phương